09:44 - 18/12/2024

Người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong trường hợp nào?

Người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong trường hợp nào? Câu hỏi của bạn T.C ở Hà Nam

Nội dung chính

    Người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động cụ thể như sau:

    Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động

    1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:

    a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

    b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

    c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

    2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.

    Từ những quy định trên, người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong một số trường hợp sau đây:

    - Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

    - Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.

    - Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

    Người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong trường hợp nào?

    Người lao động không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động từ công ty trong trường hợp nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Doanh nghiệp có trách nhiệm gì đối với người lao động bị tai nạn lao động?

    Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau (quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015):

    - Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

    - Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

    + Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

    + Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

    + Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

    - Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

    - Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

    + Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

    + Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

    - Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

    - Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

    - Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

    - Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

    - Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

    - Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

    Thời gian giám định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động có được tính lương hay không?

    Căn cứ tại quy định tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

    Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương

    1. Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.

    2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

    3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

    4. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.

    5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

    6. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

    7. Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.

    8. Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.

    9. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

    10. Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

    Theo quy định này thì khoảng thời gian người lao động đi giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động vẫn được tính lương.

    157
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ