10:20 - 09/11/2024

Muốn kết hôn nhưng gia đình phản đối thì phải làm như thế nào?

Tôi và bạn gái tôi quen nhau được hơn 5 năm, chúng tôi cũng tiến tới hôn nhân tuy nhiên gia đình tôi có phản đối về khi xem bói thầy bói nói không hợp. Tôi đã nhiều lần thuyết phục gia đình nhưng vẫn không thay đổi. Tôi muốn hỏi hiện tại tôi cần làm gì để kết hôn hợp pháp với bạn gái tôi. 

Nội dung chính

    Muốn kết hôn nhưng gia đình phản đối thì phải làm như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì điều kiện kết hôn được quy định như sau:

    1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

    a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

    b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

    c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

    d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

    2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

    Tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

    2. Cấm các hành vi sau đây:

    a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

    b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

    c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

    d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

    Theo các quy định trên nếu bạn và bạn gái của bạn đủ các điều kiện trên và không thuộc các hành vi bị cấm thì có thể làm thủ tục để đăng ký kết hôn. Việc phản đối của gia đình bạn không làm ảnh hưởng đến việc đăng ký kết hôn của hai bạn.

    Theo Điều 18 Luật hộ tịch năm 2014 và Điều 10 Nghị định 123/2015 NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch quy định thành phần hồ sơ bao gồm:

    - Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác;

    - Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.

    - Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

    - Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.

    - Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

    Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu) hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu)
    Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

    Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 38 Luật hộ tịch 2014 như sau:

    Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

    5