15:24 - 25/09/2024

Mã số của tài sản ngắn hạn theo Thông tư 200 gồm những gì?

Tài sản ngắn hạn sẽ gồm những gì? Mã số của tài sản ngắn hạn theo Thông tư 200 gồm những gì? Tài sản ngắn hạn khác theo Thông tư 133 được tính như thế nào?

Nội dung chính


    Tài sản ngắn hạn sẽ gồm những gì?

    Theo điểm 1.4 khoản 1 Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về hướng dẫn lập và trình bày Bảng cân đối kế toán năm như sau:

    Hướng dẫn lập và trình bày Bảng cân đối kế toán năm

    1. Lập và trình Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục

    ...

    1.4. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu B01-DN)

    a) Tài sản ngắn hạn (Mã số 100)

    Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

    Mã số 100 = Mã số 110 + Mã số 120 + Mã số 130 + Mã số 140 + Mã số 150.

    ...

    Tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 81 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định về tài sản ngắn hạn như sau:

    Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo tài chính

    ...

    2. Lập và trình bày Báo cáo tình hình tài chính

    ...

    2.2. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp

    ....

    2.2.2. Đối với doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Xem mẫu B01b - DNN)

    a) Tài sản ngắn hạn (Mã số 100)

    Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh thông thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

    Mã số 100 = Mã số 110 + Mã số 120 + Mã số 130 + Mã số 140 + Mã số 150.

    Theo đó, tài sản ngắn hạn sẽ gồm các yếu tố sau:

    [1] Tiền, các khoản tương đương tiền

    [2] Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

    [3] Các khoản phải thu ngắn hạn

    [4] Hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác

    Mã số của tài sản ngắn hạn theo Thông tư 200 gồm những gì? (Hình từ Internet)

    Mã số của tài sản ngắn hạn theo Thông tư 200 gồm những gì?

    Mã số của tài sản ngắn hạn theo Thông tư 200/2014/TT-BTC gồm:

    - Tài sản ngắn hạn (Mã số 100) gồm: Tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

    - Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 150): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước ngắn hạn, thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo.

    - Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 155): phản ánh giá trị tài sản ngắn hạn khác, như: Kim khí quý, đá quý (không được phân loại là hàng tồn kho), các khoản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá để bán kiếm lời không được phân loại là bất động sản đầu tư, như tranh, ảnh, vật phẩm khác có giá trị.

    Tài sản ngắn hạn khác theo Thông tư 133 được tính như thế nào?

    Tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 81 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định cách tính tài sản ngắn hạn khác (Mã số 150) như sau:

    Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo tài chính

    ...

    2. Lập và trình bày Báo cáo tình hình tài chính

    2.2. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp

    2.2.1. Đối với doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (xem mẫu B01a - DNN)

    a) Tài sản

    - Tiền và các khoản tương đương tiền (Mã số 110)

    Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

    Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của các TK 111, 112, số dư Nợ chi tiết của TK 1281 (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) và TK 1288 (chi tiết các khoản đủ tiêu chuẩn phân loại là tương đương tiền).

    Ngoài ra, trong quá trình lập báo cáo, nếu nhận thấy các khoản mục được phản ánh ở các tài khoản khác thỏa mãn định nghĩa tương tương tiền thì kế toán được phép trình bày trong chỉ tiêu này. Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc,…

    Các khoản trước đây được phân loại là tương đương tiền nhưng quá hạn chưa thu hồi được phải chuyển sang trình bày tại các chỉ tiêu khác, phù hợp với nội dung của từng khoản mục.

    Khi phân tích các chỉ tiêu tài chính, ngoài các khoản tương đương tiền trình bày trong chỉ tiêu này, kế toán có thể coi tương đương tiền bao gồm cả các khoản có thời hạn thu hồi còn lại dưới 3 tháng kể từ ngày báo cáo (nhưng có kỳ hạn gốc trên 3 tháng) có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền.

    ...

    Theo đó, tài sản ngắn hạn khác theo Thông tư 133 được tính như sau:

    Mã số 150 = Mã số 151 + Mã số 152.

    Trong đó:

    - Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (Mã số 151)

    Chỉ tiêu này phản ánh số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ và số thuế GTGT còn được hoàn lại đến cuối năm báo cáo.

    Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ của TK 133.

    - Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 152)

    Chỉ tiêu này phản ánh tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, gồm chi phí trả trước ngắn hạn, thuế và các khoản khác phải thu Nhà nước.

    Số liệu ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của các TK 242, 333

     

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ