Làm sao để 'đẩy' bãi rác ra xa khu dân cư?
Nội dung chính
Làm sao để 'đẩy' bãi rác ra xa khu dân cư?
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về vấn đề bảo vệ môi trường tại khu dân cư như sau:
“Điều 80: Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư
1. Bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.
4. Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.
5. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
6. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.”
“Điều 83: Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường
1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.
2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải;
c) Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường;
đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.”
“Điều 143: Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:
a) Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa;
b) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân;
c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;
d) Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải;
đ) Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn;…”
Như vậy, theo các quy định của pháp luật về môi trường vừa nêu ở trên, khu dân cư phải có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư; đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải.
Khi gặp vấn đề về môi trường như bạn nói là mùi nồng nặc từ bãi rác thải, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì gia đình bạn có thể cùng các hộ dân xã nơi bạn sống nên đến trình báo trực tiếp hoặc làm đơn trình báo gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã – là cơ quan có thẩm quyền quản lý bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn để được giải quyết ngay tình trạng ô nhiễm trên, tránh để lâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã chậm trễ trong việc giải quyết kiến nghị của người dân, các bạn có thể gửi kiến nghị đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để đôn đốc cấp xã sớm xử lý theo quy định của pháp luật.