Lái xe gây tai nạn, đã thỏa thuận bồi thường có bị phạt nữa không?
Nội dung chính
Lái xe gây tai nạn, đã thỏa thuận bồi thường có bị phạt nữa không?
Khi tham gia giao thông người tham gia giao thông phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, khi vi phạm giao thông thì bị xử lý trách nhiệm theo Nghị định 171/2013/CP-NĐ ngày 13 ngày 11 tháng 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong trường hợp gây tai nạn, người điều kiển phương tiện giao thông còn chịu trách nhiệm bồi thường dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi được quy định tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự như sau: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Mức bồi thường được quy định tại Điều 609 BLDS 2005 như sau:
"1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo đó, gia đình có thể đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, về tổn thất tinh thần trên cơ sở các chi phí quy định tại Điều 609 BLDS 2005.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.” - Điều 605 BLDS 2005.
Ngoài ra, trường hợp của bạn đi lấn phần đường người đi ngược chiều gây tai nạn được quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 5 Nghị định 171/2013/CP-NĐ như sau: “Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông” mức phạt từ tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, ngoài ra bạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.
Việc bạn và gia đình bị hại đã thỏa thuận đền bù thể hiện trách nhiệm dân sự đã thực hiện xong, còn trách nhiệm hành chính bạn vẫn phải xử lý theo quy định nêu trên.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.