09:37 - 12/11/2024

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân số được xét tặng cho những đối tượng nào?

Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Vừa qua, đọc báo, tình cờ tôi thấy có bài viết đề cập đến việc trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số” cho một số cá nhân. Tôi thắc mắc không biết chính xác thì giải thưởng này được xét tặng cho những đối tượng nào? Tôi có thể tham khảo thêm vấn đề này tại đâu?

Nội dung chính

    Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân số được xét tặng cho những đối tượng nào?

    Ngày 06/6/2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư 20/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế. Thông tư này hướng dẫn về đối tượng thi đua và khen thưởng; tổ chức thi đua và tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, tuyến trình khen thưởng, hồ sơ, quy trình xét khen thưởng và lễ trao tặng; hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp; quỹ thi đua, khen thưởng; quản lý, lưu trữ hồ sơ và báo cáo công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế.

    Theo đó, đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số” là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 17 Thông tư 20/2011/TT-BYT. Cụ thể như sau:

    1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức, bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ):

    a) Cán bộ, công chức, viên chức ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và ở Trung ương phải có thời gian làm công tác DS-KHHGĐ đủ 10 năm liên tục trở lên.

    b) Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở các xã, phường, thị trấn; cộng tác viên ở các thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc phải có thời gian công tác DS-KHHGĐ đủ 07 năm liên tục trở lên; nếu ở các xã, phường, thị trấn vùng núi cao, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo theo quy định hiện hành của Chính phủ phải có thời gian công tác DS-KHHGĐ đủ 05 năm liên tục trở lên.

    2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ: Phải có đủ 15 năm trở lên kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ.

    3. Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ: Có công lao chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu DS-KHHGĐ trong một nhiệm kỳ công tác trở lên.

    4. Đối với cá nhân không làm công tác DS-KHHGĐ: Có đóng góp lớn về vật chất, tinh thần hoặc có sáng kiến, công trình khoa học có giá trị thiết thực cho sự nghiệp DS-KHHGĐ được Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao.

    5. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

    6. Đối với người nước ngoài phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

    a) Đạt tiêu chuẩn quy định tại Khoản 4 Điều này.

    b) Có một nhiệm kỳ công tác tham gia các cơ quan, tổ chức hoặc các dự án về DS-KHHGĐ tại Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao.

    7. Đối với những cá nhân do luân chuyển cán bộ, thay đổi tổ chức bộ máy mà thời gian làm công tác DS-KHHGĐ bị ngắt quãng thì thời gian tính số năm công tác được cộng dồn.

    Như vậy, căn cứ quy định này, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số” được trao cho cá nhân công tác trong lĩnh vực DS-KHHGĐ và cá nhân không làm công tác DS-KHHGĐ, cả người Việt Nam và người nước ngoài.

    Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số”. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 20/2011/TT-BYT.

    Trân trọng!

    9