19:36 - 21/12/2024

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định thế nào từ ngày 01/ 01/2025?

Từ 01/01/2025, quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định thế nào? Hướng dẫn quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt được thực hiện thế nào?

Nội dung chính

    Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định thế nào từ ngày 01/ 01/2025?

    Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT 03 quy định về kinh doanh vận tải hành khách đối với xe buýt từ 01/01/2025 như sau:

    - Tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với xe buýt trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

    - Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; việc đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT

    - Niêm yết thông tin

    + Niêm yết bên ngoài xe Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm; Hai bên thành xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BGTVT

    + Niêm yết bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BGTVT; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách;

    + Bên trong xe có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm ở vị trí hành khách dễ quan sát, các nội dung chính gồm:

    ++ Hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có);

    ++ Hướng dẫn sắp xếp hành lý;

    ++ Biển cấm hút thuốc trên xe;

    ++ Hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có);

    ++ Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

    Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định thế nào từ ngày 01/ 01/2025?

    Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định thế nào từ ngày 01/ 01/2025? (Hình từ Internet)

    Quy định về điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt, lệnh vận chuyển như thế nào?

    Theo Điều 18 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT quy định về điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt, lệnh vận chuyển từ 01/01/2025 như sau:

    (1) Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt

    - Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông theo phương án tổ chức giao thông;

    - Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có);

    - Có nhà chờ cho hành khách.

    (2) Điểm dừng xe buýt

    - Khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), hành trình tuyến rút gọn ở phía sau biển báo;

    - Biển báo điểm dừng xe buýt đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

    Tại các bến xe khách, nhà ga đường sắt, cảng hàng không, cảng, bến thủy nội địa, cảng biển có hành trình tuyến xe buýt đi qua phải bố trí điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt để kết nối với các phương thức vận tải khác.

    (3) Nhà chờ xe buýt

    - Sở Giao thông vận tải công bố mẫu nhà chờ xe buýt áp dụng trong phạm vi địa phương mình;

    - Tại nhà chờ xe buýt phải niêm yết các thông tin: số hiệu tuyến, tên tuyến, hành trình, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến.

    - Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải được xây dựng đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

    (4) Lệnh vận chuyển

    - Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

    Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện từ; xuất trình lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.

    - Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng lệnh vận chuyển.

    Quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt được thực hiện ra sao?

    Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 36/2024/TT-BGTVT việc quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt như sau:

    - Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nguồn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

    - Đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô loại hình vận tải bằng xe buýt được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc được đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

    - Sở Giao thông vận tải địa phương ký hợp đồng khai thác tuyến với đơn vị kinh doanh vận tải trúng thầu hoặc được đặt hàng. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng.

    - Sở Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ biểu đồ, hành trình chạy xe trên tuyến xe buýt nội tỉnh khi có sự thay đổi về tổ chức giao thông dẫn đến phải thay đổi hành trình hoặc trong trường hợp thiên tai, bão lụt hoặc trong trường hợp bất khả kháng khác hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác tuyến phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại từng thời điểm; đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh phương án khai thác tuyến tương ứng với biểu đồ chạy xe mới điều chỉnh.

    - Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, việc điều chỉnh biểu đồ, hành trình chạy xe, ngừng khai thác hoặc đóng tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương đầu tuyến bên kia; thông báo đến các Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt đi qua trước khi thực hiện.

    - Quyết định điều chỉnh biểu đồ chạy xe được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 ngày trước khi thực hiện điều chỉnh biểu đồ.

    Lưu ý: Thông tư 36/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/01/2025.

    65