10:22 - 18/12/2024

Không còn đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng từ tháng 7 2025?

Từ 1/7/2025 không còn đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng có đúng không? Quy định về nội dung bồi dưỡng nghề công chứng?

Nội dung chính

    Từ 1/7/2025 không còn đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng có đúng không?

    Căn cứ tại Điều 10 Luật Công chứng 2014 quy định về những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như sau:

    Miễn đào tạo nghề công chứng
    1. Những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:
    a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
    b) Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
    c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
    d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

    Tuy nhiên, căn cứ tại Điều 11 Luật Công chứng 2024 quy định:

    Đào tạo nghề công chứng
    1. Người có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng.
    2. Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
    3. Những người sau đây có thời gian đào tạo nghề công chứng là 06 tháng:
    a) Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng II; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;
    b) Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;
    c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật;
    d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
    4. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề công chứng được cơ sở đào tạo nghề công chứng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
    5. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề công chứng.
    6. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chương trình khung đào tạo nghề công chứng và việc công nhận tương đương đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài.

    Như vậy, từ ngày 01/7/2025 khi Luật Công chứng 2024 có hiệu lực sẽ không còn ai được miễn đào tạo nghề công chứng nữa. Mà thời gian đào tạo nghề công chứng sẽ là 12 tháng, tuy nhiên những người sau đây có thời gian đào tạo nghề công chứng là 06 tháng:

    - Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng 2; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;

    - Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;

    - Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật;

    - Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng 1; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

    Lưu ý: Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

    Không còn đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng từ tháng 7 2025?Không còn đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng từ tháng 07/2025? (Hình từ Internet)

    Bồi dưỡng nghề công chứng gồm những nội dung nào?

    Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định về nội dung bồi dưỡng nghề công chứng như sau:

    (1) Kỹ năng hành nghề công chứng, bao gồm việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng, xác định nhân thân, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, kỹ năng nghiệp vụ khác thuộc thẩm quyền của công chứng viên.

    (2) Kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề công chứng, bao gồm các quy định pháp luật về công chứng, pháp luật dân sự, các quy định pháp luật khác có liên quan.

    (3) Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

    (4) Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.

    Trách nhiệm của tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ như thế nào?

    Theo Điều 16 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 01/2021/TT-BTP gồm Hội công chứng viên; Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; Học viện Tư pháp có trách nhiệm sau đây:

    (1) Xây dựng và công bố kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ của tổ chức mình trước ngày 30 tháng 01 hàng năm;

    (2) Chuẩn bị nội dung, chương trình, các điều kiện cần thiết khác và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ theo kế hoạch đã công bố;

    (3) Cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng (Mẫu TP-CC-11);

    (4) Thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

    (5) Lập và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức danh sách công chứng viên đã tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tại tổ chức mình theo từng năm.

    Ngoài các nhiệm vụ trên, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam còn có trách nhiệm sau đây:

    (1) Hướng dẫn nội dung trọng tâm bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng năm cho các Hội công chứng viên;

    (2) Hướng dẫn, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ của Hiệp hội và các Hội công chứng viên;

    (3) Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ của các Hội công chứng viên theo quy định của pháp luật.

    135
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ