Hướng dẫn cách làm đơn khởi kiện khi bị bôi nhọ trên facebook?
Nội dung chính
Hướng dẫn cách làm đơn khởi kiện khi bị bôi nhọ trên facebook?
Tôi muốn kiện người đã đưa hình ảnh bôi nhọ tôi trên Facebook, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình. Tôi muốn làm đơn kiện thì phải làm như thế nào? Người này cùng xóm với tôi.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, trong trường hợp có căn cứ cho rằng một người đã sử dụng hình ảnh bôi nhọ mình trên facebook, chị hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án ra Tòa yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Về thủ tục khởi kiện, chị làm đơn khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có hành vi bôi nhọ chị sinh sống hoặc làm việc (Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Trong đơn khởi kiện, phải có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện (Tòa án cấp huyện nơi người bị kiện sinh sống/làm việc);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm ch ứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Lưu ý: Kèm theo đơn khởi kiện, chị nộp thêm bản photo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu và các chứng cứ chứng minh cho việc mình bị xúc phạm, bôi nhọ trên facebook cũng như những thiệt hại về vật chất/tinh thần (nếu có), đồng thời phần yêu cầu khởi kiện phải ghi rõ vấn đề cần được Tòa án giải quyết, ví dụ: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin, xin lỗi công khai... để Tòa án có căn cứ thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc của chị nhanh hơn.
Về phương thức gửi hồ sơ khởi kiện, chị có thể sử dụng 1 trong các cách thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Ở Việt Nam đã triển khai việc gửi đơn và nhận đơn khởi kiện trực tuyến chưa?
Mình muốn hỏi là ở Việt Nam mình đã triển khai việc gửi đơn và nhận đơn khởi kiện trực tuyến chưa ạ. Mong mọi người cho mình chút thông tin về việc này. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Khoản 1c Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Như vậy, Ở Việt Nam đã triển khai việc gửi đơn và nhận đơn khởi kiện trực tuyến.
Theo đó, việc lập và gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử như sau:
- Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.
- Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Ai có thể làm đơn khởi kiện cho người chưa thành niên?
Tôi đang có thắc mắc và muốn nhờ Ban biên tập giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Ai có thể làm đơn khởi kiện cho người chưa thành niên? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Với quy định hiện hành của pháp luật thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.
Theo đó, tại Điểm b Khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc làm đơn khởi kiện của người chưa thành niên như sau:
Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
Như vậy, theo quy định này thì người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án dân sự cho người chưa thành niên bạn nhé.
Trân trọng!