Hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
1. Hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Tại Điều 162 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường như sau:
1. Hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
2. Hoạt động thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường là việc tổ chức thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với một tổ chức, cá nhân trong thời gian 03 năm liên tiếp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hoạt động thanh tra thường xuyên do cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp và bảo đảm các yêu cầu, nội dung sau:
a) Đối tượng thanh tra thường xuyên là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở mức I, Cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Hoạt động thanh tra thường xuyên phải được lập kế hoạch trong thời gian 03 năm liên tiếp hoặc ngắn hơn do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định. Kế hoạch thanh tra thường xuyên được lồng ghép trong quá trình xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; bảo đảm không chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Việc thành lập, tổ chức triển khai đoàn thanh tra thường xuyên được thực hiện như đối với hoạt động thanh tra theo kế hoạch theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Thanh tra đột xuất về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra; trường hợp không công bố trước quyết định thành lập đoàn thanh tra theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường thì được thực hiện như sau:
a) Không công bố trước quyết định thành lập đoàn thanh tra khi có căn cứ cho rằng việc công bố trước dẫn tới đối tượng thanh tra che giấu, tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn thanh tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra;
b) Sau khi xuất trình quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được quyền tiếp cận ngay khu vực phát sinh chất thải, khu vực có công trình, thiết bị thu gom, xử lý nước thải, khí thải và điểm xả thải và các khu vực khác trong phạm vi quyết định thanh tra để triển khai các hoạt động thanh tra theo thẩm quyền;
c) Trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi không hợp tác hoặc cản trở hoạt động thanh tra đột xuất, trưởng đoàn thanh tra phối hợp với lực lượng Công an nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tiếp cận hiện trường phục vụ hoạt động thanh tra và lập biên bản vụ việc;
d) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ký các biên bản làm việc, biên bản lấy mẫu môi trường; trường hợp người đại diện theo pháp luật không có mặt, đại diện tổ chức, cá nhân được thanh tra có mặt tại hiện trường có trách nhiệm ký biên bản. Trường hợp không có đại diện của tổ chức, cá nhân được thanh tra hoặc đại diện tổ chức, cá nhân được thanh tra không ký biên bản thì đề nghị đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện Công an cấp xã ký biên bản với vai trò người chứng kiến;
đ) Sau khi đã thực hiện các hoạt động để bảo đảm đối tượng thanh tra không tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn thanh tra, trong thời hạn không quá 03 ngày, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp đại diện theo pháp luật của đối tượng thanh tra không có mặt theo yêu cầu. Trình tự, thủ tục công bố quyết định thanh tra được thực hiện theo pháp luật về thanh tra;
e) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết để đoàn thanh tra thi hành nhiệm vụ khi đã xuất trình quyết định thanh tra; tùy theo mức độ, bị xử lý vi phạm khi có các hành vi cản trở hoạt động của đoàn thanh tra đột xuất;
g) Thành viên đoàn thanh tra, công chức, viên chức có liên quan không được công bố, cung cấp thông tin về quá trình đề xuất, ban hành quyết định thanh tra đột xuất, xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, chuẩn bị công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra đối với trường hợp quy định khoản này.
2. Trách nhiệm, hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm, hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như sau:
1. Trách nhiệm, hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trườngcó trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
b) Hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.
Hoạt động kiểm tra định kỳ được thực hiện theo kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hoạt động kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường. Không báo trước quyết định thành lập đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng việc báo trước dẫn tới đối tượng kiểm tra tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn kiểm tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định.
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành hoạt động kiểm tra đột xuất khi có căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường.
3. Thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được duy định như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như sau:
2. Thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường;
b) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Quốc phòng thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng;
d) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Công an thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh;
đ) Thủ trưởng cơ quan Công an, đơn vị Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trừ các trường hợp kiểm tra quy định tại Điểm d Khoản này;
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường;
g) Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại Điểm e Khoản này;
h) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn.
Trân trọng!