Hàng hóa là rượu thì có bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng không?
Nội dung chính
1. Hàng hóa là rượu thì có bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng không?
Theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng như sau:
TT | TÊN NHÓM HÀNG HÓA | NỘI DUNG BẮT BUỘC |
… | … | … |
6 | Đồ uống (trừ rượu): | a) Định lượng; b) Ngày sản xuất; c) Hạn sử dụng; d) Thành phần hoặc thành phần định lượng; đ) Thông tin cảnh báo; e) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. |
7 | Rượu | a) Định lượng; b) Hàm lượng etanol; c) Hạn sử dụng (nếu có); d) Hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang); đ) Thông tin cảnh báo (nếu có); e) Mã nhận diện lô (nếu có). |
8 | Thuốc lá | a) Định lượng; b) Ngày sản xuất; c) Thông tin cảnh báo; d) Hạn sử dụng; đ) Mã số, mã vạch. |
Như vậy, nếu rượu có hạn sử dụng thì phải thể hiện hạn sử dụng trên nhãn hàng còn rượu không có hạn sử dụng thì không bắt buộc phải thể hiện.
Hàng hóa là rượu thì có bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng không? (internet)
2. Nhập khẩu rượu không có hạn sử dụng trên nhãn hàng thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Khoản 2 và Khoản 4 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu như sau:
2. Nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
4. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính quy định tại Điều này trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Do đó, nếu như bạn nhập khẩu rượu có hạn sử dụng mà trên nhãn lại không thể hiện hạn sử dụng thì bạn có thể bị phạt lên đến 30.000.000 đồng. Số tiền phạt sẽ phụ thuộc vào giá trị hàng hóa được nhập. Ngoài ra, số rượu nhập về buộc bị đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và phải nộp lại số tiền bằng giá trị những chai rượu đã được tiêu thụ ra thị trường.