15:48 - 06/11/2024

Giảm giá tài sản kê biên như thế nào?

Tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án là tài sản được thế chấp tại Ngân hàng để vay số tiền 300 triệu đồng. Sau nhiều lần giảm giá đưa ra bán đấu giá nhưng không có người mua. Vậy đối với tài sản thế chấp, Chấp hành viên có áp dụng Điều 104 Luật Thi hành án dân sự để giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế hay không? Hay giảm tới mức giá trị còn lại của tài sản bằng giá trị thế chấp Ngân hàng là 300 triệu đồng và chi phí cưỡng chế thì Chấp hành viên không giảm nữa? Nếu tài sản không có người mua thì Chấp hành viên giao tài sản đó cho người phải thi hành án để trừ tiền được thi hành án thì khoản thế chấp vay ngân hàng xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Giảm giá tài sản kê biên như thế nào?

    Nội dung bạn hỏi, chúng tôi trao đổi một số vấn đề sau đây:

    Thứ nhất, để kê biên tài sản đã thế chấp thì phải đúng quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, tức là trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

    Do vậy, tài sản có giá trị bằng giá trị thế chấp Ngân hàng là 300 triệu đồng hợp pháp thì Chấp hành viên không kê biên để thi hành cho nghĩa vụ thi hành án không liên quan đến nghĩa vụ trả tiền được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Trường hợp này, Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự”. Tài sản đã được thế chấp hợp pháp mà có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng thế chấp thì Chấp hành  viên phải thông báo cho ngân hàng nhận thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu ngân hàng nhận thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký.

    Thứ hai, việc giảm giá tài sản đã kê biên theo quy định tại Điều 104 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

    Thứ ba, Điều 104 Luật Thi hành án dân sự có quy định trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án. Tuy nhiên, điều luật không quy định người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án bắt buộc phải có hay không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, trong khi đó Điều 100 Luật Thi hành án dân sự về giao tài sản để thi hành án quy định trường hợp đương sự thoả thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thoả thuận; trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được thi hành án khác và phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng; việc giao tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thoả thuận. Do đó, nếu không có người mua mà người được thi hành án nhận tài sản đó để thi hành án không trái pháp luật thì phải được sự đồng ý của người phải thi hành án và ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản.

    428
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ