Giá trị dinh dưỡng tham chiếu trên nhãn thực phẩm từ ngày 15/02/2024 được xác định là bao nhiêu?
Nội dung chính
Giá trị dinh dưỡng tham chiếu trên nhãn thực phẩm từ ngày 15/02/2024 là được xác định là bao nhiêu?
Tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 29/2023/TT-BYT có quy định giá trị dinh dưỡng tham chiếu trên nhãn thực phẩm như sau:
STT | Thành phần dinh dưỡng | Đơn vị đo lường | Giá trị dinh dưỡng tham chiếu | Cơ sở đề xuất |
1 | Năng lượng | Kcal | 2000 | Dựa trên nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam, số liệu khẩu phần ăn từ Tổng điều tra Quốc gia về dinh dưỡng |
2 | Chất đạm | g | 50 | Theo khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) |
3 | Carbohydrat | g | 325 | Dựa trên nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam |
4 | Đường tổng số | g | - | Chưa khuyến nghị giá trị dinh dưỡng tham chiếu |
5 | Chất béo, trong đó: Chất béo bão hòa | g g | 56 20 | Chất béo: Dựa trên nghiên cứu và tính toán từ nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam, khẩu phần chất béo chỉ nên cung cấp tối đa 25% tổng năng lượng khẩu phần; Chất béo bão hòa: Theo khuyến cáo của Codex |
6 | Natri | mg | 2000 | Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khuyến cáo của Codex |
Việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải đáp ứng nguyên tắc gì?
Tại Điều 4 Thông tư 29/2023/TT-BYT có quy định việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải đảm bảo nguyên tắc như sau:
- Việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan.
- Bảo đảm chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm.
- Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ nhận biết, dễ hiểu và không tẩy xóa được.
Giá trị dinh dưỡng tham chiếu trên nhãn thực phẩm từ ngày 15/02/2024 được xác định là bao nhiêu?(Hình từ Internet)
Thực phẩm có nhãn chưa ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng còn hạn sử dụng có được tiếp tục lưu thông không?
Tại Điều 9 Thông tư 29/2023/TT-BYT có quy định về cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng như sau:
Quy định chuyển tiếp
Thực phẩm có nhãn chưa ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định lại Thông tư này đã được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm đó.
Như vậy, thực phẩm có nhãn chưa ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trước ngày 01/01/2026 còn hạn sử dụng vẫn được tiếp tục lưu thông cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm đó.
Thành phần dinh dưỡng nào không bắt buộc ghi trên nhãn thực phẩm?
Tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 29/2023/TT-BYT có quy định từ ngày 15/02/2023, thành phần dinh dưỡng không bắt buộc ghi trên nhãn thực phẩm bao gồm:
- Thành phần năng lượng có giá trị ≤ 4 kcal trên 100 ml (dạng lỏng).
- Thành phần chất đạm ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng)
- Thành phần Carbohydrat có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
- Thành phần chất béo có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
- Thành phần chất béo bão hòa có giá trị ≤ 0,1 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc ≤ 0,1 g trên 100 ml (dạng lỏng).
- Thành phần đường tổng số có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc ≤ 0,5 g trên 100 ml (dạng lỏng).
- Thành phần natri có giá trị ≤ 0,005 g trên 100 g.
Lưu ý: Quy định trên chỉ để xác định việc không bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và không sử dụng cho các mục đích khác.
Lưu ý: Thông tư 29/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.