Dự trữ xăng dầu bắt buộc được quy định như thế nào? Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có bắt buộc thực hiện dự trữ xăng dầu hay không?
Nội dung chính
Dự trữ xăng dầu bắt buộc được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc là thương nhân đầu mối.
Theo đó, Điều 31 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) quy định về việc dự trữ xăng bắt buộc như sau:
Dự trữ xăng dầu bắt buộc
1. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi (20) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng năm (05) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại.
3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu theo các quy định hiện hành về dự trữ xăng dầu.
4. Cơ chế sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và/hoặc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để phục vụ công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường khi cần thiết.
Như vậy, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ bắt buộc tối thiểu theo quy định trên.
Dự trữ xăng dầu bắt buộc được quy định như thế nào? Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có bắt buộc thực hiện dự trữ xăng dầu hay không? (Hình từ Internet)
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có bắt buộc thực hiện dự trữ xăng dầu hay không?
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc như sau:
Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu
1. Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc là thương nhân đầu mối.
2. Dự trữ quốc gia về xăng dầu theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
Theo đó, khoản 11 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) quy định về thương nhân đầu mối xăng dầu như sau:
Giải thích từ ngữ
...
11. Thương nhân đầu mối bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy sản xuất, pha chế xăng dầu (hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu thành phẩm) hoặc nhập khẩu xăng dầu để cung ứng xăng dầu cho hệ thống của mình, bán cho thương nhân kinh doanh xăng dầu khác và xuất khẩu xăng dầu.
Doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu được quyền xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để bảo đảm cân đối nguồn xăng dầu cung cấp cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là thương nhân thực hiện quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, sản phẩm xăng dầu, bán thành phẩm xăng dầu, chất thải và các nguyên vật liệu khác thành các sản phẩm xăng dầu.
Như vậy, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không phải đối tượng bắt buộc thực hiện dự trữ xăng dầu.
Thương nhân đầu mối không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 30 Nghị định 99/2020/NĐ-CP về việc xử lý hành vi vi phạm dự trữ xăng dầu như sau:
Hành vi vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu, nguyên liệu sản xuất xăng dầu
1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với thương nhân sản xuất xăng dầu không duy trì mức dự trữ nguyên liệu sản xuất xăng dầu hoặc duy trì mức dự trữ nguyên liệu sản xuất xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
Đồng thời, Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III và IV Nghị định 99/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức.
Như vậy, Hành vi vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu của thương nhân đầu mối thuộc Chương III Nghị định 99/2020/NĐ-CP, do đó, thương nhân đầu mối là tổ chức không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đến 140.000.000 đồng.