Doanh nghiệp xã hội khác doanh nghiệp bình thường thế nào?
Nội dung chính
Doanh nghiệp xã hội khác doanh nghiệp bình thường thế nào?
Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 tại Điều 10 có quy định về doanh nghiệp xã hội. Theo đó, để trở thành một doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10 sau: Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật; Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Đối với Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội: Cam kết này phải được lập theo mẫu và phải bao gồm các nội dung được quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 96/2015/NĐ-CP, ngày 19/10/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014 (gọi là Nghị định 96/2015/NĐ-CP), cụ thể:
- Các vấn đề xã hội, môi trường; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó.
- Thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
- Mức tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận giữ lại hàng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
- Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân; nguyên tắc xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường (nếu có).
- Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
Doanh nghiệp thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của mình cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Về thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội: Doanh nghiệp xã hội được thành lập theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp như Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty Cổ phần…theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 4 Nghị định 96/2015/NĐ-CP). Riêng về tên của doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định tại Điều 38, Điều 39, Điều 40 và Điều 42 Luật Doanh nghiệp, hướng dẫn tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/09/2015 Về đăng ký doanh nghiệp và có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” vào tên riêng của doanh nghiệp.
Việc thành lập và đưa vào hoạt động doanh nghiệp xã hội được Nhà nước chú trọng và tạo nhiều ưu đãi, cụ thể:
Thứ nhất, chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định pháp luật (điểm b Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014).
Thứ hai, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Ngoài khoản viện trợ này, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường (điểm c Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014; Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 96/2015/NĐ-CP). Trình tự, thủ tục tiếp nhận các khoản tài trợ này được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 96/2015/NĐ-CP):
- Việc tiếp nhận tài trợ phải lập thành văn bản. Văn bản tiếp nhận tài trợ phải có các nội dung: thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ; loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ; thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ; họ, tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên.
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản tiếp nhận tài trợ được ký kết, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu từ hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ. Kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.
- Trường hợp nội dung văn bản tiếp nhận tài trợ có thay đổi, doanh nghiệp xã hội phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về nội dung thay đổi theo trình tự, thủ tục nêu trên.
Trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hàng năm doanh nghiệp xã hội phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính Báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Báo cáo đánh giá tác động xã hội phải được lập theo mẫu và phải có các nội dung sau: Tên, mã số doanh nghiệp; các khoản ưu đãi, viện trợ hoặc tài trợ đã nhận được; các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện trong năm; các vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã giải quyết.
Thứ ba, doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:
- Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm (điểm b Khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015).
- Được kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi thêm không quá 15 năm đối với dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư (điểm c Khoản 2 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015).
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (Khoản 1 Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015). Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 03 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu (Khoản 2 Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015).
- Được giảm thuế nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 21 Thông tư 78/2014/TT-BTC, ngày 18/06/2014 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, ngày 26/12/2913 Hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời với các ưu đãi đó, doanh nghiệp xã hội cũng cấn phải thực hiện các nghĩa vụ riêng của mình như: Duy trì mục tiêu và điều kiện thành lập trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật.Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Như vậy, so với doanh nghiệp thông thường, điều kiện, trình tự thành lập và các ưu đãi nhận được, doanh nghiệp xã hội có những điểm khác biệt. Căn cứ vào nhu cầu của mình, thực tế xã hội và những căn cứ pháp luật chúng tôi đã viện dẫn, anh/chị có thể xem xét và lựa chọn phù hợp.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn.