Diễn tập thiết quân luật có phải là diễn tập phòng thủ dân sự không?
Nội dung chính
Thiết quân luật khẩn cấp là gì? Địa bàn thiết quân luật là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 về Thiết quân luật:
Thiết quân luật
1. Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện.
2. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.
3. Lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thiết quân luật, biện pháp, hiệu lực thi hành; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
...
Theo đó, có thể hiểu Thiết quân luật khẩn cấp là biện pháp tạm thời được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và kiểm soát tình hình khi các biện pháp thông thường không đủ hiệu quả.
Thiết quân luật thường do cơ quan có thẩm quyền ban hành (chính phủ hoặc lãnh đạo quốc gia) và trao quyền kiểm soát tình hình cho quân đội hoặc các lực lượng vũ trang thay vì cơ quan hành chính dân sự thông thường.
Địa bàn thiết quân luật là khu vực mà lệnh thiết quân luật được ban hành và áp dụng nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng nghiêm trọng. Quy định về địa bàn thiết quân luật phụ thuộc vào phạm vi áp dụng và mức độ cần thiết của tình huống cụ thể.
Diễn tập thiết quân luật có phải là diễn tập phòng thủ dân sự không?
Hiện tại, pháp luật không quy định về việc diễn tập thiết quân luật. Tuy nhiên, dựa theo quy định tại Điều 3 Luật Quốc phòng 2018 và Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 thì diễn tập thiết quân luật và diễn tập phòng thủ dân sự là hai khái niệm có liên quan nhưng không hoàn toàn đồng nhất, mặc dù chúng có thể được thực hiện đồng thời trong một số trường hợp.
* Điểm giống nhau:
- Cả hai loại diễn tập đều nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp hoặc bất thường, đảm bảo khả năng phản ứng nhanh, duy trì an ninh và an toàn cho người dân.
- Thường có sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, công an, và các cơ quan chính quyền địa phương.
- Mục tiêu chung là nâng cao khả năng ứng phó, vận hành cơ chế và điều phối giữa các đơn vị liên quan.
* Điểm khác nhau:
(1) Diễn tập thiết quân luật:
- Tập trung vào việc kiểm soát tình hình khẩn cấp khi quyền hành chính dân sự được chuyển giao cho quân đội.
- Bao gồm các tình huống xử lý bạo loạn, xung đột vũ trang, hoặc các nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.
- Lực lượng quân sự đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì trật tự và đảm bảo an ninh.
(2) Diễn tập phòng thủ dân sự:
- Tập trung vào bảo vệ dân cư, giảm thiểu thiệt hại từ các mối đe dọa như thiên tai, dịch bệnh, hoặc các thảm họa khác.
- Nội dung bao gồm sơ tán người dân, cung cấp cứu trợ, và khắc phục hậu quả thảm họa.
- Dân sự và quân sự phối hợp, nhưng lực lượng dân sự thường đóng vai trò chính.
Diễn tập thiết quân luật có phải là diễn tập phòng thủ dân sự không? (Hình từ Internet)
Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm những biện pháp nào?
Theo khoản 6 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 thì các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm:
(1) Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;
(2) Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;
(3) Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;
(4) Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
(5) Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.
Khi thi hành lệnh thiết quân luật thì có được sử dụng lực lượng quân đội vũ trang nhân dân không?
Căn cứ Điều 24 Luật Quốc phòng 2018 có quy định như sau:
Nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân
1. Hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
2. Trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như sau:
a) Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh;
e) Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định.
Như vậy, khi thi hành lệnh thiết quân luật thì sẽ được sử dụng lực lượng quân đội vũ trang nhân dân.