Đề án sáp nhập tỉnh: Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, 500 triệu đồng cho cấp xã
Nội dung chính
Đề án sáp nhập tỉnh: Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, 500 triệu đồng cho cấp xã
Cụ thể, tại Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (sau đây gọi là Đề án sáp nhập tỉnh) do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ trong đó bao gồm hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, 500 triệu đồng cho cấp xã.
Cụ thể, tại Quyết định 759/QĐ-TTg nêu rõ:
a) Lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả việc sắp xếp, hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh, sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã (bỏ cấp huyện) và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
b) Chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng, thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, tiến độ được giao.
c) Chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương liên quan hướng dẫn UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã ở địa phương trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 15/6/2025.
d) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Luật chuyên ngành và các Nghị định, thông tư quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và các vấn đề liên quan của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã) khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp thuộc thẩm quyền đề xuất hoặc ban hành của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm thực hiện đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, không tạo ra khoảng trống pháp lý để chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
đ) Chỉ đạo bố trí ngân sách hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố nhận bổ sung cân đối ngân sách trung ương bảo đảm điều kiện cho việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã với mức 100 tỷ đồng cho 01 ĐVHC cấp tỉnh giảm, 500 triệu đồng cho 01 ĐVHC cấp xã giảm.
e) Chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC các cấp sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Thời gian hoàn thành: 30/6/2025.
Như vậy, theo Quyết định 759/QĐ-TTg về đề án sáp nhập tỉnh, sẽ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, hỗ trợ 500 triệu đồng cho cấp xã.
**Nội dung trên là nội dung Đề án sáp nhập tỉnh: Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, 500 triệu đồng cho cấp xã.
Đề án sáp nhập tỉnh: Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho cấp tỉnh, 500 triệu đồng cho cấp xã (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi sáp nhập tỉnh
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương;
b) Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các nội dung liên quan đến phí, lệ phí, việc vay các nguồn vốn theo quy định của pháp luật;
d) Quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển các lĩnh vực tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, nội vụ, lao động, xã hội, văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật;
đ) Quyết định biện pháp để thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo; biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;
e) Căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
g) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình;
h) Quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;
i) Quyết định biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao; quyết định tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; quyết định tổng số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương;
k) Xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính ở địa phương;
l) Quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương theo quy định của pháp luật;
m) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm theo quy định của pháp luật;
n) Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của pháp luật;
o) Giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;
p) Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp thuận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
q) Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật;
r) Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp huyện;
s) Giải tán Hội đồng nhân dân cấp huyện trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn;
t) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Như vây, đối với vấn đề về ngân sách, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các nội dung liên quan đến phí, lệ phí, việc vay các nguồn vốn theo quy định của pháp luật.