10:15 - 18/12/2024

Công ty ở Việt Nam mua và sử dụng hàng hóa ở nước ngoài, không nhập khẩu vào Việt Nam thì có phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không?

Đối tượng nào chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam? Đối tượng nào phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Việt Nam? Thuế giá trị gia tăng là gì và trường hợp nào thì phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện nay? Trường hợp Công ty Việt Nam mua hàng hóa và sử dụng hàng hóa tại nước ngoài thì có phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không?

Nội dung chính

    Đối tượng nào chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam?

    Căn cứ vào Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định như sau:

    “Điều 2. Đối tượng chịu thuế
    1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
    2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
    3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
    4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
    a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
    b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
    c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
    d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
    5. Chính phủ quy định chi Tiết Điều này.”

    Như vậy, những trường hợp hàng hóa được liệt kê theo quy định như trên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Việt Nam.

    Công ty ở Việt Nam mua và sử dụng hàng hóa ở nước ngoài, không nhập khẩu vào Việt Nam thì có phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không?

    Công ty ở Việt Nam mua và sử dụng hàng hóa ở nước ngoài, không nhập khẩu vào Việt Nam thì có phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không?

    Đối tượng nào phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Việt Nam?

    Căn cứ vào Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định như sau:

    “Điều 3. Người nộp thuế
    1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
    2. Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
    3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
    4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
    a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
    b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
    c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
    d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
    đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
    e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
    5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
    6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
    7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

    Như vậy, những đối tượng thuộc quy định nêu trên sẽ phải tiến hành nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu đối tượng chịu thuế.

    Thuế giá trị gia tăng là gì và trường hợp nào thì phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện nay?

    Căn cứ vào Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 đã định nghĩa về thuế giá trị gia tăng như sau:

    “Điều 2. Thuế giá trị gia tăng
    Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

    Theo đó, thuế giá trị gia tăng sẽ được xác định trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ khi sản xuất đến tiêu dùng.

    Tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng như sau:

    “Điều 3. Đối tượng chịu thuế
    Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.”

    Theo đó, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ là hàng hóa dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

    Trường hợp Công ty Việt Nam mua hàng hóa và sử dụng hàng hóa tại nước ngoài thì có phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng không?

    Căn cứ vào Công văn 2311/TCHQ-TXNK ngày 14/6/2022 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc giải đáp vướng mắc thuế cho Công ty TNHH BX Shinsei Việt Nam, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

    “Căn cứ Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH14 quy định về đối tượng chịu thuế, bao gồm:
    “1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
    2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
    3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối ”.
    Căn cứ Điều 3 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng”
    Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH BX Shinsei Việt Nam mua khuôn của Công ty KUSATSU tại Thái Lan, hàng hóa sau khi mua được sử dụng tại Thái Lan, không nhập khẩu về Việt Nam thì không phát sinh nghĩa vụ về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng nêu trên.
    Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty TNHH BX Shinsei Việt Nam biết và thực hiện.”

    Như vậy, theo giải đáp trên thì trường hợp Công ty Việt Nam mua hàng và sử dụng hàng ở nước ngoài, không nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ không phát sinh nghĩa vụ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

    3