14:26 - 14/11/2024

Có thể nhận lại hàng hóa khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không?

Có thể nhận lại hàng hóa khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không? Công ty mất khả năng thanh toán chi phí phá sản, cổ đông yêu cầu phá sản có được nhận lại? Doanh nghiệp bị xem là mất khả năng thanh toán khi nào?

Nội dung chính

     

    Có thể nhận lại hàng hóa khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không? 

    Tôi có bán cho công ty TG một lô vải lụa. Sau khi tôi gửi hàng đi bằng xe tải để giao hàng thì mới biết là công ty này mất khả năng thanh toán tiền hàng. Nhưng xe tải do bị trục trặc nên chưa giao cho công ty thì tôi có được nhận lại số vải trên có được không? Do tôi cũng chưa nhận tiền hàng.

     

    Trả lời:

    Theo Điều 58 Luật Phá sản 2014 quy định về nhận lại hàng hóa đã bán như sau:

    Người bán đã gửi hàng hóa cho người mua là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhưng chưa được thanh toán và người mua cũng chưa nhận được hàng hóa thì người bán được nhận lại hàng hóa đó. Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đã nhận hàng hóa đó và không thể trả lại được thì người bán trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

    Như vậy, nếu bạn đã gửi hàng hóa cho công ty TG, mà công ty này mất khả năng thanh toán nhưng chưa được thanh toán và cũng chưa nhận được hàng thì bạn được nhận lại hàng hóa đó theo quy định hiện hành.

    Có thể nhận lại hàng hóa khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không?

    Có thể nhận lại hàng hóa khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không? (Hình từ Internet)

    Công ty mất khả năng thanh toán chi phí phá sản, cổ đông yêu cầu phá sản có được nhận lại?

    Tôi là cổ đông nắm giữ hơn 30% cổ phần phổ thông của công ty NAB từ lúc thành lập công ty tới giờ đã hơn 03 năm. Trong thời gian này tỷ lệ cổ phần của tôi không thay đổi. Do công ty kinh doanh không hiệu quả nên tôi đã thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty. Xin hỏi tôi có phải tạm ứng chi phí nào không? Và nếu có thì tôi có được thanh toán chi phí đó khi kết thúc quá trình giải quyết thủ tục phá sản? Theo tôi được biết, công ty hiện chỉ còn tiền trong tài khoản kinh doanh ngoại tệ liên ngân hàng. Trong trường hợp khi đang giải quyết thủ tục phá sản, vì lý do thị trường thì tòa sẽ giải quyết thế nào?

     

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 22 Luật Phá sản 2014 quy định về lệ phí phá sản như sau:

    - Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này không phải nộp lệ phí phá sản.

    Căn cứ Điều 23 Luật Phá sản 2014 quy định về tạm ứng chi phí phá sản như sau:

    1. Chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

    2. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này.

    3. Tòa án nhân dân giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản. Việc định giá, định giá lại và bán tài sản được thực hiện theo quy định tại các điều 122, 123 và 124 của Luật này.

    4. Tòa án nhân dân quyết định mức tạm ứng chi phí phá sản, mức chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này.

    Như vậy, khi thực hiện quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, bạn có nghĩa vụ nộp lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản. Khi thực hiện giải quyết chi phí phá sản, đây là khoản được chi trả đầu tiên từ tài sản của doanh nghiệp, do đó bạn sẽ được ưu tiên hoàn lại. Nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh lý tài sản của doanh nghiệp để đảm bảo chi phí phá sản.

    Tuy nhiên, trong trường hợp khi tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà DN mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản (như trường hợp của công ty bạn) thì hướng giải quyết sẽ được quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014, cụ thể:

    1. Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:

    a) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

    b) Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.

    2. Trường hợp Tòa án nhân dân xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

    3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này, Tòa án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.

    4. Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì người nộp đơn không được hoàn lại lệ phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí phá sản đã nộp.

    Đối với công ty NAB, nếu thuộc trường hợp được quy định như trên thì tòa án thụ lý sẽ giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn. Đồng thời, bạn là người nộp đơn sẽ không được hoàn lại lệ phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí phá sản đã nộp.

     

    Doanh nghiệp bị xem là mất khả năng thanh toán khi nào?

    Để yêu cầu tuyên bố một doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản hoặc để quyết định tuyên bố một doanh nghiệp phá sản thì yêu cầu quan trọng nhất là phải xác định xem doanh nghiệp đó có bị mất khả năng thanh toán hay không. Vậy một doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị xác định là mất khả năng thanh toán khi nào?

     

    Trả lời:

    Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì doanh nghiệp, hợp tác xã bị xác định mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

    Khi một doanh nghiệp, hợp tác xã bị xác định mất khả năng thanh toán thì tổ chức, cá nhân sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau đây:

    - Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

    Trong đó, theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì:

    + Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

    + Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

    - Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

    - Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

    - Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

    - Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

    - Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

    Trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện theo quy định pháp luật tại Luật Phá sản 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

    317
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ