Cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, phân loại vụ cháy? Vụ cháy được phân thành mấy loại?
Nội dung chính
Quy định về tiêu chí phân loại vụ cháy ra sao?
Tại khoản 5 Điều 29 Thông tư 88/2024/TT-BCA quy định phân loại vụ cháy thành 05 cấp như như sau:
(1) Vụ cháy cấp I là vụ cháy không có thiệt hại về người và thuộc một trong các trường hợp sau: Thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy dưới 0,5 ha;
(2) Vụ cháy cấp II là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Gây Thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%; gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 0,5 ha đến dưới 05 ha;
(3) Vụ cháy cấp III là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 01 đến 02 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 200%; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 05 ha đến dưới 10 ha;
(4) Vụ cháy cấp IV là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 03 đến 04 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 10.000.000.000 đồng đến dưới 50.000.000.000 đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 10 ha đến dưới 20 ha;
(5) Vụ cháy cấp V là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 05 người trở lên; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 50.000.000.000 đồng trở lên hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 20 ha trở lên.
Từ 15/01/2025, phân loại vụ cháy thành 5 cấp, cấp 5 nguy hiểm nhất? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, phân loại vụ cháy?
Tại khoản 6 Điều 29 Thông tư 88/2024/TT-BCA quy định như sau:
Công tác chuyển giao hồ sơ, chế độ thông tin, báo cáo và tiêu chí phân loại vụ cháy
...
6. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm tập hợp, báo cáo số liệu xác minh, giải quyết các vụ cháy, phân loại vụ cháy.
...
Theo đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm tập hợp, báo cáo số liệu xác minh, giải quyết các vụ cháy, phân loại vụ cháy.
Nguyên tắc xác minh, giải quyết vụ cháy được quy định như thế nào?
Theo Điều 2 Thông tư 88/2024/TT-BCA quy định nguyên tắc ác minh, giải quyết vụ cháy như sau:
- Tất cả vụ cháy xảy ra phải được xác minh, giải quyết và kết luận nhanh chóng, kịp thời, an toàn, chính xác, khách quan, toàn diện. Kiến nghị, khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vụ cháy và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình xác minh, giải quyết vụ cháy, bảo đảm tập trung, thống nhất theo chỉ đạo của Thủ trưởng Công an các cấp. Cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
- Không được lợi dụng, lạm dụng công tác xác minh, giải quyết vụ cháy để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Hồ sơ xác minh, giải quyết vụ cháy quy định ra sao?
Theo Điều 30 Thông tư 88/2024/TT-BCA quy định như sau:
(1) Thành phần Hồ sơ xác minh, giải quyết vụ cháy theo thủ tục hành chính:
- Biên bản vụ cháy; biên bản xác định sơ bộ thiệt hại về người, tài sản và đơn vị chủ trì xác minh, giải quyết vụ cháy;
- Bản ảnh, sơ đồ hiện trường vụ cháy;
- Biên bản ghi nhận lời khai cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ cháy;
- Báo cáo đề xuất giải quyết vụ cháy; thông báo kết quả xác minh, giải quyết vụ cháy;
- Quyết định trưng cầu, kết luận giám định (nếu có);
- Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có), các tài liệu khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan (nếu có);
- Thống kê tài liệu có trong hồ sơ; biên bản bàn giao hồ sơ và tài liệu khác có liên quan (nếu có);
- Báo cáo, bản tường trình, cam kết không khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp và tự khắc phục hậu quả của đại diện cơ sở, hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị thiệt hại (nếu có).
(2). Thành phần Hồ sơ xác minh, giải quyết vụ cháy theo tố giác, tin báo tội phạm:
- Biên bản vụ cháy; biên bản xác định thiệt hại về người, tài sản và đơn vị chủ trì xác minh, giải quyết vụ cháy; biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm;
- Quyết định phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thụ lý điều tra giải quyết vụ cháy; Quyết định phân công Phó Thủ trưởng thụ lý điều tra giải quyết vụ cháy (nếu có); thông báo tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; kế hoạch xác minh, giải quyết vụ cháy;
- Biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh, sơ đồ hiện trường, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường;
- Biên bản ghi lời khai của đại diện cơ sở, hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông bị cháy, người làm chứng và người có liên quan;
- Báo cáo đề xuất giải quyết vụ cháy; báo cáo kết thúc giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm (nếu có);
- Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Văn bản đề nghị trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyết định trưng cầu giám định, văn bản yêu cầu định giá tài sản; kết luận giám định, kết luận định giá tài sản; thông báo kết luận giám định, thông báo kết quả định giá tài sản; tài liệu chứng minh thiệt hại về người (giấy chứng thương, đơn thuốc), tài sản, các tài liệu về thỏa thuận bồi thường thiệt hại, dữ liệu ghi hình (nếu có);
- Biên bản vi phạm hành chính; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai thu tiền phạt (nếu có);
- Hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan quản lý đối với cơ sở, hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở;
- Các tài liệu của Viện Kiểm sát liên quan đến vụ cháy;
- Thống kê tài liệu có trong hồ sơ và các tài liệu khác có liên quan đến vụ cháy (nếu có);
- Các tài liệu khác (nếu có).
(3) Hồ sơ xác minh giải quyết vụ cháy theo quy định tại Điều này phải lập, đăng ký, quản lý, sử dụng hồ sơ theo quy định của pháp luật, Bộ Công an về công tác nghiệp vụ và công tác hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân.