09:16 - 08/11/2024

Bắt buộc mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp có đúng không?

Bắt buộc mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp có đúng không? Tàu biển thế chấp bị chìm, bảo hiểm chi trả cho ai? Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam như thế nào?

Nội dung chính

    Bắt buộc mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp có đúng không?

    Trường hợp tàu biển Việt Nam mang đi thế chấp thì chủ tàu có cần phải mua bảo hiểm hay không? Nhờ tư vấn.

    Trả lời:

    Theo Điều 38 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 thì việc thế chấp tàu biển Việt Nam phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

    - Tàu biển đang thế chấp không được chuyển quyền sở hữu, nếu không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp tàu biển.

    - Tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp trong hợp đồng thế chấp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp bên nhận thế chấp đã chuyển toàn bộ hoặc một phần quyền của mình đối với khoản nợ được bảo đảm bằng tàu biển thế chấp cho người khác thì việc thế chấp tàu biển đó được chuyển tương ứng.

    ...

    Như vậy, chủ tàu không bắt buộc phải mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp nếu trong hợp đồng thế chấp các bên có thỏa thuận không mua bảo hiểm.

    Tàu biển thế chấp bị chìm, bảo hiểm chi trả cho ai?

    Doanh nghiệp SNB hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hải. Do nhu cầu phát triển, DN cần mua thêm 1 tàu mới nhằm phục vụ hoạt động vận tải đường biển. Sau khi thẩm định, ngân hàng đồng ý cho vay với tài sản thế chấp là chính con tàu mà DN sẽ mua. Ngoài ra, ngân hàng còn yêu cầu DN mua thêm bảo hiểm cho tàu biển, công ty bán bảo hiểm là công ty con của ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu mua thêm bảo hiểm có đúng không? Trong trường hợp tàu bị chìm và không trục vớt được thì bảo hiểm sẽ chi trả tiền cho ai? 

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đối tượng của bảo hiểm tài sản đảm bảo như sau:

    Tài sản bảo đảm

    1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

    2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

    3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

    4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm

    Đồng thời căn cứ Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 về thế chấp tàu biển như sau:

    - Tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp trong hợp đồng thế chấp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, mua bảo hiểm khi thực hiện thế chấp tàu biển là nghĩa vụ của chủ tàu theo quy định của pháp luật.

    Về việc bảo hiểm sẽ chi trả cho ai khi xảy ra thiệt hại cần xác định rõ đây là bảo hiểm gì, phạm vi của bảo hiểm ra sao? Theo như nội dung bạn cung cấp, có thể nhận định đây là bảo hiểm tài sản đảm bảo ( bảo hiểm vật chất thân tàu). Ý nghĩa của bảo hiểm này nhằm mục đích khi tàu bị thiệt hại hoàn toàn thì chủ tàu phải gánh chịu 2 rủi ro trong đó có rủi ro mất khả năng thanh toán với ngân hàng; về phía ngân hàng thì sẽ có khoản nợ xấu mà khả năng cao là không thu hồi được. Vậy nên vai trò của bảo hiểm ở đây nhằm mục đích giảm bớt rủi ro cho cả 2 phía. Như vậy khi xảy ra tai nạn chìm tàu không trục vớt được bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả 1 khoản bồi thường, ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, các khoản chi phí phát sinh, nếu còn dư thì DN của bạn sẽ được nhận.

     Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam như thế nào?

    Cho tôi hỏi: Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào? Tôi hiện đang công tác tại một đơn vị hành chính ven biển. Chúng tôi rất quan tâm tới các quy định liên quan tới tàu biển. Đặc biệt là về sở hữu tàu biển. Cho tôi hỏi luôn văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi xin cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời! nguyenquynh90***.

    Trả lời:

    Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam được hướng dẫn tại Điều 39 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, theo đó:

    1. Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam có nội dung cơ bản sau đây:

    a) Tên, nơi đặt trụ sở của người nhận thế chấp và chủ tàu;

    b) Tên và quốc tịch của tàu biển được thế chấp;

    c) Số tiền được bảo đảm bằng thế chấp, lãi suất và thời hạn phải trả nợ.

    2. Việc thế chấp tàu biển có hiệu lực sau khi được ghi trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

    3. Thông tin về việc đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam được cấp cho người có yêu cầu.

    4. Người đăng ký thế chấp tàu biển và người khai thác thông tin về thế chấp tàu biển phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

    5. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam.

    Trên đây là trả lời của Ban biên tập về Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam, được quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

    Trân trọng!

    296
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ