10:15 - 11/11/2024

Cây cần sa tự mọc trên đất thì có bị phạt không?

Chào anh chị! Em có thắc mắc rất mong nhận được giải đáp tư vấn từ anh chị. Chuyện là nhà em có cây cần sa mọc trong vườn nhưng trong nhà không ai biết đó là cây cần sa cả. Một số người hàng xóm đến chơi và bảo cây đó để cho gà ăn được nên cha em không nhổ đi mà để vậy. Vừa qua, công an phát hiện và thu được 25kg. Gia đình em có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Em rất mong nhận được hồi đáp và chân thành cảm ơn ạ!

Nội dung chính

    Cây cần sa tự mọc trên đất thì có bị phạt không?

    Theo như thông tin bạn trình bày thì trường hợp này gia đình bạn cần chứng minh được gia đình bạn không trồng cây cần sa và không biết đó là cây cần sa. Nếu không chứng minh được thì gia đình bạn sẽ bị xử phạt hành chính với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

    - Về trách nhiệm hành chính: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi trồng cây cần sa được quy định tại Khoản 3 Khoản 6 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:

    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

    6. Hình thức xử phạt bổ sung:

    Tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này.

    - Về trách nhiệm hình sự: Căn cứ vào Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung 2017 thì:

    1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

    b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

    c) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

    Như  vậy, nếu cha bạn thuộc vào các trường hợp quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều trên thì có thể bị phạt tù lên tới 07 năm.

    Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

    12