15:29 - 16/01/2025

Cán bộ công chức viên chức được hưởng chính sách gì khi Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025?

Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025 thì cán bộ, công chức, viên chức của Truyền hình Quốc hội sẽ được hưởng chính sách gì?

Nội dung chính

    Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025

    Ngày 07/01/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 64/2025/UBTVQH15 kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam, nhằm thực hiện Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành.

    Theo Điều 1 Nghị quyết 64/2025/UBTVQH15, Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025 để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam.

    Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội tiếp tục duy trì hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (Cổng Thông tin điện tử Quốc hội là đơn vị do Văn phòng Quốc hội thành lập trước thời điểm tiếp nhận Kênh Truyền hình Quốc hội, sau đó giao Truyền hình Quốc hội Việt Nam quản lý, thực hiện nhiệm vụ).

    Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025

    Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động từ ngày 15/01/2025 (Hình từ Internet)

    Các chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức viên chức khi Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động

    Theo Điều 2 Nghị quyết 64/2025/UBTVQH15 quy định như sau:

    - Văn phòng Quốc hội và Đài Truyền hình Việt Nam rà soát, nghiên cứu, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền để bàn giao chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và nhân sự từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam.

    - Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức và lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (số không chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam) theo đúng quy định.

    Bên cạnh đó, ngày 07/01/2025, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1350/NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động.

    Theo Nghị quyết 1350/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội:

    - Trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ;

    - Tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở lại Văn phòng Quốc hội kể từ ngày các cơ quan này kết thúc hoạt động cho đến khi có quyết định mới của cấp có thẩm quyền.

    Ngoài Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động thì còn những đài truyền hình nào khác cũng dừng hoạt động?

    Căn cứ tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần II Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 có quy định như sau:

    Định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
    ...
    2.3. Định hướng đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác
    ...
    (4) Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
    ...

    Như vậy, từ ngày 15/01/2025, Truyền hình Quốc hội sẽ dừng hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

    Ngoài Truyền hình Quốc hội dừng hoạt động thì còn những đài truyền hình khác cũng dừng hoạt động và chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam gồm:

    - Truyền hình Nhân dân;

    - Truyền hình Thông tấn;

    - Truyền hình VOV;

    - Truyền hình VTC.

    Đài Truyền hình Việt Nam có cơ cấu tổ chức ra sao?

    Căn cứ Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam như sau:

    - Văn phòng.

    - Ban Tổ chức cán bộ.

    - Ban Kế hoạch - Tài chính.

    - Ban Kiểm tra.

    - Ban Hợp tác quốc tế.

    - Ban Thư ký biên tập.

    - Ban Thời sự.

    - Ban Khoa giáo.

    - Ban Truyền hình tiếng dân tộc.

    - Ban Truyền hình đối ngoại.

    - Ban Văn nghệ.

    - Ban Sản xuất các chương trình Giải trí.

    - Ban Thể thao.

    - Ban Biên tập truyền hình đa phương tiện.

    - Trung tâm Phim tài liệu.

    - Trung tâm Phim truyền hình.

    - Trung tâm Tư liệu.

    - Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

    - Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ.

    - Các cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.

    - Trung tâm Kỹ thuật truyền hình.

    - Trung tâm Mỹ thuật.

    - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số.

    - Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng.

    - Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ truyền hình.

    - Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình.

    - Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình.

     

    Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc;

    Đơn vị quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và sản xuất chương trình;

    Các đơn vị quy định từ khoản 7 đến khoản 23 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là các tổ chức sản xuất chương trình;

    Đơn vị quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là tổ chức sản xuất chương trình và cung cấp nội dung số đa nền tảng;

    Đơn vị quy định tại khoản 25 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là tổ chức phát sóng chương trình;

    Các đơn vị quy định từ khoản 26 đến khoản 28 Điều 3 Nghị định 60/2022/NĐ-CP là các tổ chức sự nghiệp khác.

    Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ việc thành lập, giải thể và tổ chức sắp xếp các đơn vị khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Ban Thư ký biên tập được tổ chức 13 phòng; Văn phòng được tổ chức 08 phòng.

     

    44
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ