Cách ghi định lượng trên nhãn hóa chất
Nội dung chính
Cách ghi định lượng trên nhãn hóa chất
Cách ghi định lượng trên nhãn hóa chất được quy định tại Khoản 5 Điều 16 Thông tư 04/2012/TT-BCT quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành như sau:
a) Cách ghi định lượng của hóa chất được ghi theo trạng thái của hóa chất: Hóa chất ở dạng rắn, khí, ghi theo khối lượng tịnh; Hóa chất là hỗn hợp rắn và lỏng, ghi theo khối lượng tịnh hỗn hợp và khối lượng chất rắn; Hóa chất là khí nén, ghi theo khối lượng tịnh của khí nén và khối lượng tịnh của bình áp lực hoặc khối lượng tịnh của khí nén và tổng khối lượng của khí nén, bình áp lực; Hóa chất dạng nhão, keo sệt, ghi theo khối lượng tịnh hoặc thể tích thực; Hóa chất dạng nhão có trong các bình phun, ghi theo khối lượng tịnh gồm cả chất nhão và chất tạo áp lực phun; Hóa chất dạng lỏng, ghi theo thể tích thực ở 20oC; Hóa chất dạng lỏng trong các bình phun, ghi theo thể tích thực ở 20oC gồm cả chất lỏng và chất tạo áp lực phun;
b) Cách ghi đơn vị đo lường
- Ghi đơn vị đo định lượng trên nhãn hóa chất bằng tên đầy đủ hoặc ký hiệu của đơn vị đo. Ví dụ: ghi là “gam” hoặc là “g”; ghi là “mililít” hoặc “ml”;
- Tên đơn vị viết bằng chữ thường, không viết hoa ký tự đầu tiên. Ví dụ: kilôgam, gam, không được viết là Kilôgam, Gam (trừ nhiệt độ: Celsius, 0C);
- Ký hiệu đơn vị viết chữ thường, kiểu đứng. Ví dụ: kg, g, l không được viết Kg, G, L;
- Viết đơn vị đo và phần trị số phải cách một ký tự trống. Ví dụ: 200 g, 300 ml, không được viết 200g, 300ml;
- Khi thể hiện đại lượng có các phép tính phải ghi đơn vị chung cho phần trị số trong dấu ngoặc hoặc riêng cho từng trị số. Ví dụ: (500 ± 5) g hoặc 500 g ± 5 g, không được viết 500 g ± 5 hoặc 500 ± 5 g;
- Biểu thị dấu thập phân của giá trị đại lượng phải dùng dấu phẩy (,), không được dùng dấu chấm. Ví dụ: 1,250 kg không được viết 1.250 kg;
- Đơn vị đo khối lượng: kilôgam (kg), gam (g), miligam (mg). Dưới 01 kg thì dùng đơn vị g (ví dụ: viết 500 g mà không viết 0,5 kg); dưới 01 g thì dùng đơn vị “mg” (ví dụ viết 500 mg mà không viết 0,5 g);
- Đơn vị đo thể tích: lít (l), mililít (ml). Dưới một lít thì dùng đơn vị “ml” (ví dụ: viết 500 ml mà không viết 0,5 l).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cách ghi định lượng trên nhãn hóa chất. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 04/2012/TT-BCT.