Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa
Nội dung chính
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì di bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mọi di sản văn hoá ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, các di sản văn hóa được Nhà nước đặc biệt bảo vệ và được luật hóa bằng các quy định của pháp luật.
Các hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tác động tiêu cực đến việc thống nhất quản lý di sản văn hoá của Nhà nước đều bị nghiêm cấm.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 và Điều 13 Luật di sản văn hóa 2001 thì nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
- Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá;
- Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;
- Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
- Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.