16:50 - 13/11/2024

Các bước tiến hành kiểm điểm đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm

Kiểm điểm tự phê bình là một trong những thủ tục cần thiết cho công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức Đảng, Đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, theo đó tôi vẫn chưa rõ các bước tiến hành như thế nào? Nên Ban biên tập hỗ trợ giúp.

Nội dung chính

    Các bước tiến hành kiểm điểm đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm

    Tại Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2018 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức Đảng, Đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành, có quy định các bước tiến hành kiểm điểm đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm như sau:

    1. Chuẩn bị kiểm điểm

    a) Chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân

    - Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể theo Mẫu 1 và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của cấp có thẩm quyền. Dự thảo báo cáo kiểm điểm gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 3 ngày làm việc.

    - Mỗi cá nhân làm một bản tự kiểm điểm theo Mẫu 2.

    b) Gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân

    - Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cấp ủy, tổ chức đảng gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý (nếu cần).

    - Ban tổ chức cấp ủy hoặc cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền về những tập thể, cá nhân cần gợi ý và nội dung kiểm điểm.

    2. Tổ chức kiểm điểm

    - Kiểm điểm đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm được tiến hành vào dịp cuối năm. Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau, người đứng đầu trước, cấp phó và các thành viên sau, lấy kết quả kiểm điểm tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện kiểm điểm sau khi các tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể đã hoàn thành kiểm điểm. Những chi bộ có tổ đảng thì có thể kiểm điểm đảng viên ở tổ đảng, sau đó tổ đảng báo cáo kết quả với chi bộ.

    - Cấp ủy cấp trên xây dựng kế hoạch, lập các đoàn công tác dự, chỉ đạo kiểm điểm ở những nơi có gợi ý kiểm điểm và phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban tham mưu, giúp việc của cấp ủy dự, chỉ đạo và tổng hợp kết quả kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cấp dưới để báo cáo cấp ủy.

    - Người đứng đầu hoặc người được ủy quyền trình bày báo cáo kiểm điểm của tập thể; từng thành viên trong tập thể tham gia góp ý và làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với những ưu, khuyết điểm của tập thể. Người đứng đầu tổng hợp, kết luận từng nội dung tiếp thu để hoàn thiện báo cáo.

    - Cá nhân trình bày bản tự kiểm điểm; từng thành viên trong tập thể góp ý, phê bình; người chủ trì kết luận những ưu, khuyết điểm của từng cá nhân; cá nhân tiếp thu, hoàn thiện bản tự kiểm điểm. Khi kiểm điểm người đứng đầu thì phân công đồng chí cấp phó chủ trì. Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thực hiện kiểm điểm sâu về chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó, ở chi bộ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

    - Thời gian tổ chức kiểm điểm của tập thể, cá nhân ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tối thiểu là 03 ngày, những nơi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm tối thiểu là 04 ngày; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý trực thuộc Trung ương tối thiểu 02 ngày, những nơi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm tối thiểu 03 ngày. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định thời gian kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

    Trên đây là nội dung tư vấn.

    55