10:45 - 20/06/2025

Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM như thế nào?

Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM như thế nào? Chi tiết thủ tục đính chính Sổ đỏ từ 1 7 2025 theo quy định tại Nghị định 151 mới nhất?

Nội dung chính

    Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM như thế nào?

    1) Tra cứu trực tiếp tại UBND xã/phường/thị trấn

    Đây là cách truyền thống và phổ biến nhất để tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bạn có thể đến trực tiếp UBND tại địa phương để nộp hồ sơ yêu cầu tra cứu. Quy trình này bao gồm:

    B1: Làm đơn xin cấp thông tin: 

    Chuẩn bị thông tin cá nhân, địa điểm lô đất (phạm vi địa giới, diện tích), mục đích đề nghị cung cấp thông tin.

    B2: Chuẩn bị hồ sơ: 

    Hồ sơ xin cấp thông tin sổ đỏ gồm đơn đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất; văn bản giải trình nội dung; sơ đồ vị trí mảnh đất và bản chính hoặc bản sao công chứng bản đồ đo đạc tỉ lệ 1/500 hoặc tỉ lệ 1/200 do cơ quan có tư cách pháp nhân thực hiện, thời gian chưa quá 3 năm; giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất; các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

    B3: Nộp hồ sơ: 

    Nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai và chờ xử lý.

    Nhận kết quả: Kết quả tra cứu sẽ được trả về trong thời gian quy định, thường từ 15 ngày làm việc.

    2) Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM online

    Cách 1: Tra cứu trên Cổng thông tin quy hoạch TP.HCM

    Đây là công cụ chính thức của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, cho phép người dân kiểm tra thông tin quy hoạch, tình trạng pháp lý của thửa đất.

    Các bước thực hiện:

    Truy cập website: https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn

    Nhấn vào biểu tượng "Tìm kiếm" ở góc trên màn hình.

    Nhập một trong các thông tin sau để tra cứu:

    Tọa độ thửa đất (nếu có)

    Số tờ, số thửa (ghi trên sổ đỏ)

    Tên đường, địa chỉ cụ thể

    Hệ thống sẽ hiển thị thông tin chi tiết về thửa đất, bao gồm:

    Loại đất

    Tình trạng quy hoạch

    Mục đích sử dụng

    Ký hiệu bản đồ và các ghi chú liên quan

    Lưu ý: Trang web hoạt động tốt hơn trên trình duyệt máy tính (Chrome, Edge).

    Cách 2: Tra cứu qua ứng dụng (app) của các Sở Tài nguyên & Môi trường

    Một số tỉnh/thành đã triển khai ứng dụng riêng phục vụ người dân kiểm tra đất đai trên thiết bị di động. TP.HCM hiện chưa có app riêng, tuy nhiên người dân có thể tham khảo mô hình hoạt động từ các địa phương khác như:

    BR-VT: iLand BRVT

    Đồng Nai: DNAILIS (trên App Store và Google Play)

    Cách dùng:

    Tải app về điện thoại

    Đăng ký/đăng nhập tài khoản

    Nhập thông tin thửa đất (tọa độ, số thửa…) để tra cứu

    Cách 3: Sử dụng website bản đồ quy hoạch do doanh nghiệp cung cấp

    Một số nền tảng như Meey Map, Thongtin.Land, Remap, Guland hỗ trợ người dùng kiểm tra quy hoạch đất đai tại nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM.

    Các bước tra cứu trên Meey Map:

    Truy cập: https://meeymap.com

    Chọn "Đăng ký" → Nhập thông tin cá nhân để tạo tài khoản

    Đăng nhập → Chọn "Bản đồ quy hoạch"

    Nhập các thông tin:

    Khu vực, địa điểm

    Tờ bản đồ, thửa đất, hoặc ranh giới đất

    Bấm "Tìm kiếm" để xem kết quả hiển thị trên bản đồ.

    Xử lý sổ đỏ sai thông tin như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024, cơ quan có thẩm quyền cấp Sổ đỏ có trách nhiệm đính chính Sổ đỏ đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:

    (1) Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính;

    (2) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.

    Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì nếu Sổ đỏ bị sai sót thông tin thì sẽ xử lý bằng cách thực hiện thủ tục đính chính Sổ đỏ.

    Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM như thế nào? (Hình từ Internet)

    Chi tiết thủ tục đính chính Sổ đỏ từ 1 7 2025 theo quy định tại Nghị định 151 mới nhất?

    Thủ tục đính chính sổ đỏ sau bỏ cấp huyện, đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp được hướng dẫn tại mục XIV Phần V Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 151/2025/NĐ-CP ( Có hiệu lực từ 1/7/2025).

    Cụ thể hưỡng dẫn chi tiết thủ tục đính chính sổ đỏ từ 1 7 2025 như sau:

    [1] Việc nộp hồ sơ được thực hiện như sau:

    - Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024 phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót thì thông báo cho người được cấp Giấy chứng nhận và đề nghị nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính;

    - Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận cấp lần đầu có sai sót thì nộp hồ sơ theo quy định tại Mục 2 Phần XIV Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 151/2025/NĐ-CP đến Bộ phận Một cửa.

    Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện:

    + Kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

    Trường hợp chưa đầy đủ thành phần hồ sơ thì trả hồ sơ kèm Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để người yêu cầu đăng ký hoàn thiện, bổ sung theo quy định.

    Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả và Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thực hiện theo mẫu quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

    + Chuyển hồ sơ đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai;

    - Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất có sai sót thì nộp hồ sơ theo quy định tại Mục 2 Phần XIV Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 151/2025/NĐ-CPđến Bộ phận Một cửa hoặc Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện:

    + Kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

    Trường hợp chưa đầy đủ thành phần hồ sơ thì trả hồ sơ kèm Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để người yêu cầu đăng ký hoàn thiện, bổ sung theo quy định.

    Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả và Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thực hiện theo mẫu quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

    + Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ phận Một cửa thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

    [2] Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót bao gồm:

    - Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định này;

    - Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

    - Giấy tờ chứng minh sai sót thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đề nghị đính chính hoặc sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với thông tin trên Giấy chứng nhận đã cấp;

    - Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục thông qua người đại diện theo quy định của pháp Luật về dân sự thì phải có văn bản về việc ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.

    [3] Trường hợp Giấy chứng nhận cấp lần đầu có sai sót thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai thực hiện:

    - Thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai;

    - Kiểm tra hồ sơ, lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót;

    - Trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2024 xác nhận nội dung đính chính trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    - Chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.

    [4] Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất có sai sót thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện:

    - Kiểm tra, lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót;

    - Xác nhận nội dung đính chính trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    - Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.

    Trần Thị Thu Phương
    Từ khóa
    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TPHCM Thủ tục đính chính Sổ đỏ Đính chính Sổ đỏ
    70