Hướng dẫn rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ cuối năm
Nội dung chính
Bàn thờ là nơi linh thiêng trong mỗi gia đình Việt Nam, thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên và các vị thần linh.
Vào dịp cuối năm, việc rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ không chỉ giúp không gian thờ cúng trở nên gọn gàng, sạch sẽ mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, chuẩn bị đón năm mới an lành và may mắn.
Thời điểm thích hợp để rút tỉa chân hương
Theo truyền thống, việc rút tỉa chân hương thường được thực hiện vào những ngày cuối năm, đặc biệt là sau lễ tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và quan niệm của mỗi gia đình, nghi lễ này có thể được tiến hành từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp. Để đón năm mới 2025 may mắn, gia chủ có thể lựa chọn các ngày tốt như 18, 19, 20, 22, 25, 26 tháng Chạp để thực hiện công việc này.
Ngoài ra, việc rút tỉa chân hương cũng có thể được thực hiện vào các ngày rằm hoặc mùng 1 Âm lịch, tùy theo điều kiện và quan niệm riêng của gia đình.
Những khung giờ tốt để tiến hành là từ 8h đến 11h55 hoặc từ 13h đến 17h55, cần tránh thực hiện vào lúc 12h hoặc 18h để đảm bảo sự tôn nghiêm và linh thiêng của nghi lễ.
Chuẩn bị trước khi rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ
Trước khi bắt đầu, gia chủ cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết như:
- Khăn sạch, chổi nhỏ chuyên dụng cho việc lau dọn bàn thờ.
- Nước ấm, rượu gừng hoặc nước thơm từ lá bưởi, quế, hồi... để tẩy uế và làm sạch.
- Một chiếc bàn hoặc khay sạch để tạm đặt đồ thờ cúng trong quá trình lau dọn.
- Hương, đèn, trái cây hoặc lễ vật nhỏ để xin phép trước khi dọn dẹp.
Trước khi thực hiện, gia chủ nên rửa tay sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề và thắp một nén hương để xin phép tổ tiên, thần linh về việc dọn dẹp bàn thờ. Việc này thể hiện sự tôn trọng và tránh làm xáo trộn sự yên bình nơi thờ tự.
Hướng dẫn rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ cuối năm (Hình từ Internet)
Các bước rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ
(1) Rút tỉa chân hương:
Sau khi hương cháy được một phần, bắt đầu rút bớt chân hương. Giữ lại số lượng chân hương lẻ như 3, 5 hoặc 7 trong bát hương, tùy theo phong tục của gia đình.
Khi rút chân hương, một tay giữ bát hương để tránh xê dịch, tay kia nhẹ nhàng rút từng chân hương để không làm tung tóe tro.
Chân hương đã rút nên được đặt gọn gàng trên khay và sau đó mang đi hóa (đốt) ở nơi sạch sẽ. Tro sau khi hóa có thể rải xuống sông, suối hoặc bón cho cây cối.
(2) Vệ sinh bàn thờ:
Dùng khăn sạch thấm nước rượu gừng hoặc nước thơm đã chuẩn bị để lau bát hương, chân đèn, lọ hoa và các vật dụng khác trên bàn thờ. Tránh di chuyển bát hương quá nhiều để không làm xáo trộn sự ổn định về mặt tâm linh.
Lau dọn bàn thờ theo thứ tự từ trên cao xuống thấp bằng khăn mềm. Với các vật làm bằng đồng, không nên dùng cồn hay rượu để lau vì có thể gây ôxy hóa, làm xỉn màu nhanh chóng.
Thay nước mới cho lọ hoa và chén nước cúng. Nếu hoa đã héo, cần thay hoa mới để tăng thêm sinh khí cho bàn thờ.
(3) Sắp xếp lại bàn thờ:
Sau khi vệ sinh, sắp xếp lại bát hương, bài vị và đồ thờ cúng một cách ngay ngắn, đúng vị trí ban đầu.
Trong quá trình thực hiện, giữ tâm trạng trang nghiêm, tránh nói cười lớn tiếng. Không làm rơi vãi đồ thờ cúng và luôn đảm bảo mọi thứ được đặt lại đúng vị trí ban đầu.
Lưu ý quan trọng khi rút tỉa chân hương và vệ sinh bàn thờ
(1) Tránh xê dịch bát hương:
Bát hương rất linh thiêng, là nơi hội tụ tâm thức, sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm; việc di chuyển bát hương tùy tiện có thể làm đứt sợi dây liên kết ấy, khiến lòng thành không được chứng giám, dẫn đến điều không hay.
Để giữ bát hương cố định trong quá trình lau dọn bàn thờ cuối năm, nên dùng một tay giữ, tay còn lại dùng khăn lau. Trường hợp vẫn phải xê dịch thì nên khấn xin, sau đó đưa bát hương về lại vị trí ban đầu.
(2) Không bỏ hết chân hương hay dốc hết tro:
Việc rút hết chân hương rồi đổ hết tro ra ngoài vừa làm xê dịch bát hương, vừa gây "tán tài". Cách làm đúng là một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút các chân hương để không làm tung tóe tro. Để lại một ít chân hương theo số lẻ, như 3, 5, 7, 9 chân hương