Văn bản hợp nhất 22/VBHN-NHNN năm 2016 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 22/VBHN-NHNN
Ngày ban hành 21/01/2016
Ngày có hiệu lực 21/01/2016
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Đồng Tiến
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 24/2012/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 04 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 38/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối,

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng[1].

Mục 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mục 2: ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU

Điều 3. Điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ[2]

1. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

2. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

3. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Điều 4. Điều kiện cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài

1.[3] (được bãi bỏ)

2. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.

4. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

Điều 5. Điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với năng lực sản xuất, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

[...]