Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Văn bản hợp nhất 16/VBHN-VPQH năm 2024 hợp nhất Luật Người cao tuổi do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 16/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 16/09/2024
Ngày có hiệu lực 16/09/2024
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Bùi Văn Cường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2024

 

LUẬT

NGƯỜI CAO TUỔI

Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Người cao tuổi[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam.

Điều 2. Người cao tuổi

Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi

1. Người cao tuổi có các quyền sau đây:

a) Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe;

b) Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;

c) Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;

đ) Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;

e) Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;

g) Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;

h) Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;

i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Người cao tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

b) Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;

c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi

[...]