BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/VBHN-BYT
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2024
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHỤ GIA THỰC PHẨM
Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8
năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực
phẩm, có hiệu lực từ ngày 16 tháng 10 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ
một phần bởi:
Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25 tháng 9
năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy
phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực
thi hành từ ngày 09 tháng 11 năm 2023;
Thông tư số 08/2024/TT-BYT ngày 24 tháng 5
năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế bãi bỏ một phần các văn bản quy phạm pháp luật
do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 5 năm
2024;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng
6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02
tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20
tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực
phẩm;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định
về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.1
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về danh mục
phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để
lưu hành tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ và
ký kiệu viết tắt dưới đây được hiểu như sau:
1. CAC là chữ viết tắt tên
tiếng Anh của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.
2. JECFA là chữ viết tắt
tên tiếng Anh của Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ
chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
3. Hương liệu (thuộc nhóm
phụ gia thực phẩm) là chất được bổ sung vào thực phẩm để tác động, điều chỉnh
hoặc làm tăng hương vị của thực phẩm. Hương liệu bao gồm các chất tạo hương,
phức hợp tạo hương tự nhiên; hương liệu dùng trong chế biến nhiệt hoặc hương
liệu dạng khói và hỗn hợp của chúng; có thể chứa các thành phần thực phẩm không
tạo hương với các điều kiện được quy định tại mục 3.5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
6417:2010 Hướng dẫn sử dụng hương liệu. Hương liệu không bao gồm các chất chỉ
đơn thuần tạo vị ngọt, chua hay mặn (như đường, dấm hoặc muối ăn); các chất điều
vị được coi là phụ gia thực phẩm trong Hệ thống phân loại của CAC về tên và
đánh số quốc tế đối với phụ gia thực phẩm (CAC/GL 36-1989 Codex Class Names and
the International Numbering System for Food Additives).
4. Thành
phần thực phẩm không tạo hương là các thành phần thực phẩm được dùng như
phụ gia thực phẩm; các loại thực phẩm cần thiết để sản xuất, bảo quản, vận
chuyển hương liệu hoặc được bổ sung vào để hòa tan, phân tán, pha loãng.
5. Lượng ăn vào hằng ngày chấp
nhận được (ADI) là lượng ăn vào hằng ngày của một phụ gia thực phẩm trong
suốt cuộc đời mà không có nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe con người, được tính
theo đơn vị mg/kg thể trọng.
6. Lượng ăn vào hằng ngày chấp
nhận được “Không xác định” (Aceptable Daily Intake “Not Specified” hoặc
“Not Limited”) là lượng ăn vào hằng ngày của một phụ gia thực phẩm có độc tính
rất thấp dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học sẵn có về hóa học, hóa sinh, độc tố
học và các yếu tố khác với mức cần thiết để đạt được hiệu quả mong muốn và chấp
nhận được trong thực phẩm mà không có nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe con
người.
7. Mức sử dụng tối đa (ML)
là lượng phụ gia thực phẩm sử dụng ở mức tối đa được xác định là có hiệu quả
theo chức năng sử dụng đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; thường
được biểu thị theo miligam phụ gia/kilogam thực phẩm hoặc miligam phụ gia/lít
thực phẩm.
8.[2] Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công
dụng mới là phụ gia thực phẩm có chứa từ hai (02) chất phụ gia trở lên và
có ít nhất một (01) công dụng khác với tất cả công dụng đã được quy định cho
mỗi chất phụ gia đó.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ DANH MỤC PHỤ GIA THỰC PHẨM ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng danh mục phụ gia thực phẩm được phép
sử dụng
1. Bảo đảm an toàn đối với
sức khỏe con người.
2. Hài hòa với tiêu chuẩn,
quy định quốc tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
3. Cập nhật theo các
khuyến cáo về quản lý nguy cơ đối với phụ gia thực phẩm của cơ quan quản lý có
thẩm quyền của Việt Nam, CAC, JECFA, nước ngoài.
Điều 5. Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và mức sử
dụng tối đa trong thực phẩm
1. Ban
hành kèm theo Thông tư này Danh mục phụ gia thực phẩm
được phép sử dụng trong thực phẩm tại Phụ lục 1.
2. Ban
hành kèm theo Thông tư này Mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm
trong thực phẩm tại Phụ lục 2A và Phụ lục 2B.
3. Ban
hành kèm theo Thông tư này Danh mục phụ gia thực phẩm và đối tượng thực
phẩm sử dụng theo GMP tại Phụ lục 3.
4.[3] Hương liệu dùng trong thực phẩm bao
gồm các hương liệu thuộc một trong các danh mục sau:
a) Hương
liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc
lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI);
b) Hương
liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương
và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA);
c) Hương
liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội
đồng Liên minh châu Âu.
5.[4] Phụ lục 2A và Phụ lục 3 được cập nhật
theo Bảng 1 (Table 1) và Bảng 3 (Table 3) theo tiêu chuẩn mới nhất của Tiêu
chuẩn chung về phụ gia thực phẩm (General Standard for Food Additives (CODEX
STAN 192-1995)) của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex (CAC).
Đối với
phụ gia thực phẩm chưa được quy định tại Phụ lục 2A và Phụ lục 3 nhưng quy định
tại tiêu chuẩn của CAC về sản phẩm thực phẩm thì được phép sử dụng theo quy
định của tiêu chuẩn này.
6.[5] Khi mức sử dụng tối đa của một phụ
gia thực phẩm trong một loại sản phẩm thực phẩm tại khoản 5 của Điều này khác
với Phụ lục 2B thì áp dụng theo quy định tại khoản 5 của Điều này.
Điều 6.
Phân nhóm và mô tả nhóm thực phẩm có sử dụng phụ gia
1.[6] Ban
hành kèm theo Thông tư này Phân nhóm và mô tả nhóm thực phẩm tại Phụ lục 4 để
áp dụng đối với các mã nhóm thực phẩm quy định tại Phụ lục 2A, Phụ lục 2B và
Phụ lục 3. Phụ lục 4 được cập nhật theo Phụ lục B (Annex B) của tiêu chuẩn mới
nhất của CAC về phụ gia thực phẩm.
2. Phân nhóm thực phẩm quy định
tại khoản 1 Điều này không dùng để quy định việc gọi tên, đặt tên sản phẩm, ghi
nhãn hàng hóa.
3. Nguyên tắc áp dụng mã nhóm
thực phẩm:
a) Khi một phụ gia thực phẩm được
sử dụng cho một nhóm lớn thì cũng được sử dụng cho các phân nhóm thuộc nhóm lớn
đó, trừ khi có quy định khác;
b) Khi một phụ gia thực phẩm được
sử dụng trong một phân nhóm thì phụ gia đó cũng được sử dụng trong các phân
nhóm nhỏ hơn hoặc các thực phẩm riêng lẻ trong phân nhóm đó, trừ khi có quy
định khác.
Chương
III
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG PHỤ GIA THỰC PHẨM
Điều 7.
Nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm
1. Sử dụng phụ gia thực phẩm
trong thực phẩm phải bảo đảm:
a) Phụ gia thực phẩm được phép sử
dụng và đúng đối tượng thực phẩm;
b) Không vượt quá mức sử dụng tối
đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm;
c) Hạn chế đến mức thấp nhất
lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
2. Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm
nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh
hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng
một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong
trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả
hơn về kinh tế và công nghệ:
a) Duy trì giá trị dinh dưỡng của
thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực
phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm
soát theo các quy định tại Thông tư này;
b) Tăng cường việc duy trì chất
lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không
làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu
dùng;
c) Hỗ trợ trong sản xuất, vận
chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém
chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp.
3. Phụ gia thực phẩm phải đáp ứng
yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo các văn bản được quy định như sau:
a) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
hoặc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền đối với trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Tiêu chuẩn quốc gia trong
trường hợp chưa có các quy định tại điểm a khoản này;
c) Tiêu chuẩn của CAC, JECFA,
tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp chưa có các quy định
tại các điểm a, b khoản này;
d) Tiêu chuẩn của nhà sản xuất
trong trường hợp chưa có các quy định tại các điểm a, b, c khoản này.
4. Ngoài việc phụ gia thực phẩm
có trong thực phẩm do được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm, phụ gia
thực phẩm còn có thể có trong thực phẩm do được mang vào từ các nguyên liệu
hoặc thành phần để sản xuất thực phẩm đã có chứa phụ gia thực phẩm và phải tuân
thủ quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Điều 8.
Nguyên tắc xác định mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm theo Thực hành sản
xuất tốt (GMP)
1. Hạn chế đến mức thấp nhất
lượng phụ gia thực phẩm sử dụng để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
2. Lượng phụ gia thực phẩm được
sử dụng trong quá trình sản xuất phải bảo đảm không làm thay đổi bản chất của
thực phẩm hay công nghệ sản xuất thực phẩm.
3. Phụ gia thực phẩm phải bảo đảm
chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và được chế biến, vận chuyển như đối với
nguyên liệu thực phẩm.
Điều 9.
Phụ gia thực phẩm có trong thực phẩm do được mang vào từ các nguyên liệu hoặc
thành phần để sản xuất thực phẩm đã có chứa phụ gia
1. Phụ gia thực phẩm có trong
thực phẩm do được mang vào từ các nguyên liệu hoặc thành phần để sản xuất thực
phẩm phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Được phép sử dụng trong các
nguyên liệu hoặc thành phần (bao gồm cả phụ gia thực phẩm);
b) Không vượt quá mức sử dụng tối
đa trong các nguyên liệu hoặc thành phần (bao gồm cả phụ gia thực phẩm);
c) Thực phẩm có chứa phụ gia thực
phẩm được mang vào từ các nguyên liệu hoặc thành phần phải bảo đảm lượng phụ
gia thực phẩm đó không được vượt quá mức sử dụng tối đa trong nguyên liệu hoặc
thành phần để sản xuất thực phẩm theo quy trình, công nghệ sản xuất.
2. Phụ gia thực phẩm không được
phép sử dụng trong nguyên liệu hoặc thành phần để sản xuất thực phẩm có thể
được sử dụng hoặc cho vào nguyên liệu hoặc thành phần đó nếu sản xuất, nhập
khẩu để phục vụ sản xuất nội bộ của doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp nhập
khẩu và phân phối đã được doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ký hợp đồng giao kết
và phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Nguyên liệu hoặc thành phần này
chỉ được sử dụng để sản xuất riêng cho một loại thực phẩm;
b) Phụ gia thực phẩm phải được
phép sử dụng và lượng sử dụng không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với loại
thực phẩm đó;
c) Phải được đăng ký bản công bố
sản phẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.
3. Các nhóm sản phẩm không chấp
nhận phụ gia được mang vào từ thành phần và nguyên liệu để sản xuất thực phẩm,
trừ khi các phụ gia đó được quy định cụ thể tại Phụ lục 2A, Phụ lục 2B và Phụ
lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:
a) Sản phẩm dinh dưỡng công thức
dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y
tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (mã nhóm thực phẩm 13.1);
b) Thực phẩm bổ sung dành cho trẻ
sơ sinh và trẻ nhỏ (mã nhóm thực phẩm 13.2).
4. Phụ gia thực phẩm được mang
vào thực phẩm từ các nguyên liệu hoặc thành phần để sản xuất thực phẩm nhưng
không tạo nên công dụng đối với sản phẩm cuối cùng thì không bắt buộc phải liệt
kê trong thành phần cấu tạo của thực phẩm đó.
Điều 10.
Yêu cầu đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia
thực phẩm
1. Yêu cầu đối với việc san chia,
sang chiết, nạp, đóng gói lại:
a) Chỉ được san chia, sang chiết,
nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân
sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản;
b) Việc san chia, sang chiết,
nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất
lượng, an toàn của sản phẩm và không gây ra nguy cơ đối với sức khỏe con người;
c) Nhãn của phụ gia thực phẩm
được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện thêm ngày san chia,
sang chiết, nạp, đóng gói lại. Hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất phụ
gia thực phẩm đã được thể hiện trên nhãn gốc của phụ gia thực phẩm trước khi
được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại;
d) Tuân thủ các quy định khác
liên quan đến sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm.
2. Yêu cầu đối với việc phối trộn
phụ gia thực phẩm, phụ gia thực phẩm hỗn hợp:
a) Chỉ được phép phối trộn các
phụ gia thực phẩm khi không gây ra bất cứ nguy cơ nào đối với sức khỏe con người;
b) Liệt kê thành phần định lượng
đối với từng phụ gia thực phẩm trong thành phần cấu tạo;
c) Hướng dẫn mức sử dụng tối đa,
đối tượng thực phẩm và chức năng;
d) Tuân thủ các quy định khác
liên quan đến sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHỤ GIA THỰC PHẨM
Điều 11.
Công bố sản phẩm
1. Phụ gia thực phẩm phải được tự
công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường, trừ các loại phụ gia thực
phẩm được quy định tại khoản 2 Điều này và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật an toàn thực phẩm. Trình tự, thủ tục tự công bố sản phẩm thực hiện
theo Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và điểm a, khoản
1, Điều 3 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
2. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có
công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia thực phẩm
được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng theo quy định tại Thông tư
này phải được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
trước khi đưa vào sử dụng hoặc trước khi lưu thông trên thị trường. Trình tự,
thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực hiện theo Điều 7 và Điều 8 Nghị định
số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Điều 12.
Ghi nhãn
Việc ghi nhãn phụ gia thực phẩm
thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính
phủ về ghi nhãn hàng hóa và các văn bản khác có liên quan.
Điều 13.[7] (được bãi bỏ)
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[8]
Điều 14. Điều
khoản chuyển tiếp
1. Phụ gia thực phẩm, sản phẩm
thực phẩm có sử dụng phụ gia thực phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố
hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước
ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn hiệu
lực được ghi trong Giấy tiếp nhận hoặc Giấy xác nhận hoặc hết thời hạn sử dụng
của sản phẩm, trừ trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm.
2. Phụ gia thực phẩm, sản phẩm
thực phẩm có sử dụng phụ gia thực phẩm đã thực hiện tự công bố sản phẩm hoặc
được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày Thông tư này có
hiệu lực nếu không phù hợp với quy định tại Thông tư này thì tiếp tục được sử
dụng đến hết thời hạn sử dụng của sản phẩm, trừ trường hợp có cảnh báo về an
toàn thực phẩm.
Điều 15. Điều
khoản tham chiếu
Trong trường hợp các văn bản được
viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp
dụng theo văn bản mới.
Điều 16.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 16 tháng 10 năm 2019.
2. Bãi bỏ Thông
tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn
việc quản lý phụ gia thực phẩm, Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11 tháng 5 năm
2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số
27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc
quản lý phụ gia thực phẩm và Phần III Quyết
định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy
định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm kể từ ngày Thông
tư này có hiệu lực.
Điều 17.
Trách nhiệm thi hành
1.
Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chức năng có liên quan tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện Thông tư này trong toàn quốc.
2.[9]
Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn tra cứu các quy định
về sử dụng phụ gia thực phẩm của CAC, danh mục hoặc cơ sở dữ liệu về hương liệu
thực phẩm của JECFA, FEMA và Liên minh châu Âu trên trang thông tin điện tử của
Cục An toàn thực phẩm (địa chỉ: https://vfa.gov.vn).
b) Đề xuất soát xét, sửa đổi Thông
tư này theo yêu cầu quản lý hoặc đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh phụ gia thực phẩm, thực phẩm.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm, thực phẩm phải bảo đảm:
a) Sản
xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm theo quy định tại Thông
tư này;
b) Ngừng
sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và thông báo cho các cơ
quan chức năng có liên quan khi phát hiện phụ gia thực phẩm
không bảo đảm theo quy định tại Thông tư này;
c) Thu
hồi, xử lý phụ gia thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy
định của pháp luật hiện hành.
d) Trường
hợp đề nghị bổ sung phụ gia thực phẩm, loại thực phẩm, nhóm thực phẩm, mức sử
dụng chưa được quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân phải cung cấp tài
liệu khoa học chứng minh tính an toàn của sản phẩm để được xem
xét.
4. Chánh
Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các
Vụ, Cục, Tổng Cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp
thời về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để xem xét, giải quyết./.
|
XÁC
THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Xuân Tuyên
|