Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BNNPTNT năm 2016 Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 05/VBHN-BNNPTNT
Ngày ban hành 25/04/2016
Ngày có hiệu lực 25/04/2016
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/VBHN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRỒNG RỪNG THAY THẾ KHI CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC

Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác1:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về điều kiện thực hiện; lập phương án, phê duyệt phương án, trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng: các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Điều 2. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

1. Đảm bảo các điều kiện quy định theo Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ;

2.2 Có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, với diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế.

Điều 3. Lập, đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác

1.3 Tổ chức, cá nhân là chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chịu trách nhiệm tổ chức lập phương án trồng rừng thay thế (sau đây viết tắt là phương án) trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập các phương án riêng đối với từng tỉnh.

a) Trường hợp các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước khi Thông tư số 24/2013/TT- BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành thì không nhất thiết phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách, diện tích phải trồng rừng thay thế của các dự án này, xây dựng 01 Phương án trồng rừng thay thế chung trên địa bàn toàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Phương án lập theo mẫu tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích kinh doanh, chủ dự án không có điều kiện tự tổ chức trồng rừng thay thế mà thực hiện việc nộp tiền để trồng rừng thay thế thì không phải lập phương án trồng rừng thay thế, tổ chức thực hiện theo Điều 6 văn bản này.

2. Phương án lập theo mẫu tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này và phải thể hiện chi tiết các nội dung sau:

a)4 Tên Phương án đầu tư trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác;

b) Diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, chi tiết đến từng loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); mô tả trạng thái từng lô rừng;

c) Diện tích đất trồng rừng thay thế, chi tiết về vị trí, địa hình, địa danh, loại rừng được quy hoạch phát triển rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) cụ thể đến từng lô; loài cây dự kiến trồng và phương thức trồng;

d) Kế hoạch tiến độ trồng rừng thay thế; mức đầu tư bình quân 1 ha; tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế;

đ) Tổ chức quản lý, bố trí các nguồn lực, tổ chức thực hiện phương án.

3. Đề nghị phê duyệt phương án

a) Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án gồm: văn bản đề nghị phê duyệt phương án theo mẫu tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này; phương án quy định tại Khoản 2 của Điều này; bản đồ thiết kế và các tài liệu có liên quan;

b) Số lượng hồ sơ 05 bộ, gồm: 01 bộ bản chính, 04 bản sao chụp.

[...]