Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BCA năm 2022 hợp nhất Thông tư quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 02/VBHN-BCA
Ngày ban hành 10/03/2022
Ngày có hiệu lực 10/03/2022
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BCA

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI, XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2020, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2022.

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều  tra của Công an nhân dân; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cấp trưởng, Cấp phó, Cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; các cơ quan, đơn vị khác của Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Cơ quan và người có thẩm quyền phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2017).

2. Đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều phải được tiếp nhận, phân loại, xử lý, kiểm tra, xác minh, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn theo quy định, không để lọt tội phạm, người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, không làm oan người hoặc pháp nhân thương mại vô tội.

3. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật; những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác này phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh.

4. Việc bảo vệ người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác phải được thực hiện theo đúng quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. TIẾP NHẬN TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ

Điều 4. Tổ chức việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã, các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Việc trực ban hình sự được thực hiện như sau:

[...]