Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTNMT năm 2024 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 01/VBHN-BTNMT
Ngày ban hành 16/01/2024
Ngày có hiệu lực 16/01/2024
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Lê Công Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/VBHN-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2022, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 19/2023/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi và bãi bỏ một số thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2023.

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ t ầng ô-dôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu .[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điểm g khoản 2 Điều 27, điểm c khoản 3 Điều 90, điểm c khoản 4 Điều 91, điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường; điểm d khoản 4 Điều 10, khoản 5 và khoản 6 Điều 11, điểm d khoản 5 Điều 22 và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hoạt động liên quan đến các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong nội dung Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.

2. Hiểm họa là khả năng xảy ra các sự kiện, hiện tượng khí hậu bất thường gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở vật chất, hoạt động kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường.

3. Phơi bày là sự hiện diện của con người, hoạt động kinh tế - xã hội, hệ sinh thái, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa ở những khu vực có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

4. Mức độ nhạy cảm là mức độ mà hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực hoặc tích cực của biến đổi khí hậu.

5. Khả năng thích ứng là sự điều chỉnh trong hệ thống tự nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội và thể chế, chính sách, nguồn lực nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội do tác động của biến đổi khí hậu.

6. Tính dễ bị tổn thương là xu hướng của hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương được cấu thành bởi mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

7. Rủi ro là hậu quả tiềm tàng của hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra cho con người, tài sản, cơ sở vật chất, hoạt động kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường. Rủi ro là kết quả của sự tương tác giữa tính dễ bị tổn thương, phơi bày và hiểm họa do biến đổi khí hậu.

8. Tổn thất và thiệt hại là những mất mát, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội do các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra.

9. Bể hấp thụ khí nhà kính là các hệ thống tự nhiên hoặc nhân tạo có khả năng hấp thụ và lưu trữ khí nhà kính từ khí quyển. Các bể hấp thụ khí nhà kính chính là rừng (thông qua quá trình quang hợp của thực vật) và đại dương (thông qua quá trình quang hợp của sinh vật biển và hoạt động của các dòng hải lưu).

10. Tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) là khả năng hấp thụ nhiệt trong khí quyển của khí nhà kính theo thời gian (thường là 100 năm) so với CO2.

11. Tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) là mức độ phá hủy tầng ô-dôn mà một chất có thể gây ra.

[...]