Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 1993

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/12/1993
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ VỀ XÓA BỎ BẠO LỰC VỚI PHỤ NỮ, 1993

(Được thông qua theo Nghị quyết 48/104 ngày 20/12/1993 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).

Đại Hội đồng,

Ghi nhận sự cấp thiết phải bảo đảm cho phụ nữ những quyền và nguyên tắc về sự bình đẳng, an ninh, tự do, sự toàn vẹn và phẩm hạnh của tất cả mọi người,

Lưu ý rằng, những quyền và nguyên tắc đó được nêu trong các văn kiện quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, và Công ước chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục.

Ghi nhận việc thực hiện có hiệu quả Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ sẽ góp phần vào việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, và rằng, Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, được nêu trong Nghị quyết này, sẽ tăng cường và hỗ trợ cho quá trình đó,

Lo ngại rằng, bạo lực với phụ nữ là một trở ngại để đạt được sự bình đẳng, phát triển và hòa bình như đã được ghi nhận trong Chiến lược Nai-rô-bi vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó nêu nhiều biện pháp nhằm chống bạo lực đối với phụ nữ cũng như việc thực hiện đầy đủ Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, như đã được khuyến nghị,

Khẳng định rằng bạo lực đối với phụ nữ là sự vi phạm các quyền và tự do cơ bản của phụ nữ, xâm hại đến hoặc vô hiệu hóa sự thụ hưởng các quyền và tự do đó của họ, và lo ngại về việc các quyền và tự do đó từ lâu đã không được bảo vệ và thúc đẩy trong trường hợp bạo lực với phụ nữ,

Ghi nhận rằng, bạo lực với phụ nữ là một biểu hiện trong các quan hệ không cân bằng về quyền lực giữa nam và nữ mà vốn có trong lịch sử. Những quan hệ đó dẫn đến sự thống trị và phân biệt đối xử với phụ nữ từ nam giới, ngăn cản sự phát triển đầy đủ của phụ nữ, và rằng, bạo lực đối với phụ nữ là một trong những cơ chế xã hội quan trọng, theo đó, phụ nữ bị đẩy vào một vị trí thấp kém so với nam giới,

Lo ngại rằng, một số nhóm phụ nữ, chẳng hạn như phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số, phụ nữ bản xứ, phụ nữ tỵ nạn, phụ nữ nhập cư, phụ nữ đang sống trong những cộng đồng nông thôn xa xôi, phụ nữ trong hoàn cảnh bần hàn, phụ nữ trong các cơ sở hoặc trong nhà giam, trẻ em gái, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi và phụ nữ trong những hoàn cảnh có xung đột vũ trang, là những người đặc biệt dễ có nguy cơ phải chịu bạo lực,

Nhắc lại kết luận tại khoản 23 trong Phụ lục của Nghị quyết 1990/15 ngày 24/5/1990 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã ghi nhận rằng, bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình và xã hội diễn ra tràn lan, cần phải có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả nhằm ngăn không để xảy ra sự phân biệt về thu nhập, giai cấp và văn hóa giữa nam và nữ,

Cũng nhắc lại Nghị quyết 1991/18 ngày 30/5/1991 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, trong đó Hội đồng khuyến nghị về việc xây dựng dự thảo một văn kiện quốc tế nhằm giải quyết triệt để vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Hoan nghênh vai trò của các phong trào phụ nữ trong việc thu hút sự chú ý ngày càng tăng về bản chất, sự nghiêm trọng và phạm vi của vấn đề bạo lực đối phụ nữ.

Báo động rằng, những cơ hội cho phụ nữ để đạt được sự bình đẳng về pháp lý, xã hội, chính trị và kinh tế trong xã hội bị hạn chế, bởi bạo lực với họ vẫn đang tiếp diễn và chưa chấm dứt,

Tin tưởng rằng, trước tình hình trên, cần thiết phải có một định nghĩa rõ ràng và toàn diện về bạo lực đối với phụ nữ, một tuyên bố rõ ràng về các quyền được áp dụng nhằm đảm bảo việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ dưới mọi hình thức, một cam kết của các quốc gia về trách nhiệm của họ, một cam kết của cộng đồng quốc tế nói chung nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ,

Trịnh trọng thông qua, Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ dưới đây, và kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để Tuyên bố này được phổ biến và tôn trọng rộng rãi:

Điều 1.

Trong phạm vi của Tuyên bố này thuật ngữ “bạo lực” đối với phụ nữ có nghĩa là mọi hành vi bạo lực trên cơ sở giới tính dẫn đến hoặc có thể dẫn đến sự xâm hại về thể chất, tình dục hoặc tâm lý hoặc sự đau khổ cho phụ nữ kể cả việc đe dọa có những hành vi như vậy, việc cưỡng đoạt hoặc tước đoạt vô cớ tự do của phụ nữ, cho dù diễn ra trong đời sống công cộng hoặc riêng tư.

Điều 2.

Bạo lực đối với phụ nữ sẽ được hiểu là bao gồm, và không chỉ giới hạn, ở những vấn đề dưới đây:

1. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý diễn ra trong gia đình, kể cả đánh đập, hành hạ, xâm hại tình dục trẻ em gái trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, hiếp dâm vợ, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, và các tập tục truyền thống khác có hại cho phụ nữ, bạo lực với người chưa phải là vợ, và bạo lực liên quan đến bóc lột;

2. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý diễn ra trong cộng đồng nói chung; kể cả hiếp dâm, xâm hại tình dục, quấy rối và hăm dọa tình dục ở nơi làm việc trong các cơ sở giáo dục và những nơi khác buôn bán phụ nữ và cưỡng bức mại dâm,

3. Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý do nhà nước thực hiện hoặc được nhà nước bao che và bỏ qua, cho dù xảy ra ở bất kỳ nơi nào.

Điều 3.

Phụ nữ có quyền được hưởng thụ một cách bình đẳng và được bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự hay bất kỳ lĩnh vực nào khác. Những quyền này bao gồm:

1. Quyền sống;

2. Quyền được bình đẳng;

3. Quyền được tự do và an ninh cá nhân;

4. Quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng;

5. Quyền không bị phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào;

[...]