Tờ trình số 0875/TM-XNK ngày 14/04/2003 của Bộ Thương mại về việc nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng

Số hiệu 0875/TM-XNK
Ngày ban hành 14/04/2003
Ngày có hiệu lực 14/04/2003
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0875/TM-XNK

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2003

 

TỜ TRÌNH VỀ NÂNG CAO VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NGÀNH HÀNG

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Vấn đề này đã được đề cập tại Chỉ thị số 08/2003/CT-TTg ngày 04 tháng 04 năm 003 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Hội nghị Thương mại toàn quốc 2003 do Bộ Thương mại tổ chức và qua thực tiễn theo dõi hoạt động của một số Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động và nêu một số kiến nghị nhằm nâng cao via trò và hiệu quả của các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu như sau:

I. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA MỘT SỐ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NGÀNH HÀNG XUẤT KHẨU Ở NƯỚC TA:

Nhìn chung, quá trình phát triển của các Hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, còn mới mẻ và chỉ thực sự bắt đầu khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, Tới nay, nước ta có khoảng gần 30 Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, trong đó hầu hết các ngành hàng xuất khẩu quan trọng đều đã hình thành được các Hiệp hội như:

Tên Hiệp hội                                         Năm thành lập

1. Hiệp hội Lương thực Việt Nam                                   1998

2. Hiệp hội Chè Việt Nam                                               1998

3. Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam                               1990

4. Hiệp hội Nhựa Việt Nam                                            1990

5. Hiệp hội Da giày Việt Nam                                          1990

6. Hiệp hội Điều Việt Nam                                              1990

7. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản                     1998

8. Hiệp hội Dệt may Việt Nam                                        1999

9. Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam                      2000

10. Hiệp hội Gỗ Việt Nam                                              2000

11. Hiệp hội Rau quả Việt Nam                           2001

12. Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam                           2002

Qua đánh giá sơ bộ, các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng đã thực hiện được một số chức năng và nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, hầu hết các Hiệp hội đã tập hợp được các nhà sản xuất, xuất khẩu lớn của cả nước theo từng ngành hàng. Hiệp hội Dệt may đến hết năm 2002 đã có 451 hội viên, Hiệp hội Lương thực có 71 hội viên, Hiệp hội Cà phê - Cacao có 110 hội viên. Hiệp hội Gỗ có gần 2000 hội viên. Một số Hiệp hội đã xây dựng được những tổ chức trực thuộc như các chi hội, chi nhánh hoặc câu lạc bộ trực thuộc tại một số địa phương. Kim ngạch xuất khẩu của các hội viên một số hiệp hội đã chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%) trong tổng kim ngạch của cả ngành.

Thứ hai, Hiệp hội đã thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước. Các Hiệp hội đã tích cực tổng hợp những kiến nghị của các hội viên về cơ chế, chính sách của Nhà nước để từ đó kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hoặc để xây dựng các chính sách quản lý phù hợp.

Thứ ba, Hiệp hội đã quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, nhất là các hiệp hội lớn như dệt may, thuỷ sản, lương thực, cà phê, giày dép. Công tác khuyến nông, khuyến ngư (đối với hiệp hội ngành hàng nông sản, thuỷ sản) cũng được chú ý. Hầu hết các hiệp hội đã xây dựng trang web riêng, một số hiệp hội đã ra được bản tin định kỳ để phổ biến thông tin tới các doanh nghiệp hội viên.

Thứ tư, một số Hiệp hội đã thực hiện khá tích cực vai trò đối ngoại của ngành trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và tham gia tranh tụng quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích hội viên1.

Bên cạnh những mặt đã làm được, hoạt động của các hiệp hội ngành hàng cũng còn khá nhiều hạn chế, do vậy chưa phát huy được hết vai trò và tác dụng của Hiệp hội đối với sự phát triển của ngành hàng.

Thứ nhất, tuy tập hợp được đông đảo các hội viên, thậm chí có những hiệp hội chiếm tỷ trọng chi phối trong xuất khẩu, nhưng nhìn chung các Hiệp hội chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp và sự liên kết chặt chẽ trong ngành. Cá biệt với một số Hiệp hội, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hội viên (tranh mua, tranh bán) vẫn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của toàn ngành. Hiện tượng vi phạm Nghị quyết của hiệp hội là khá phổ biến nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý do thiếu chế tài đủ mạnh quy định tại Điều lệ Hiệp hội. Do một số nguyên nhân, đa số các Hiệp hội chưa chú trọng phát triển các hội viên là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (các hội viên

---

1 Hiệp hội Da giày Việt Nam đã tích cực phối hợp với các Bộ hữu quan giải quyết thành công vụ việc Canada tiến hành điều tra bán phá đối với mặt hàng giày và đế giày không thám nước vào thị trường này.

[...]