Dự thảo Thông tư về nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 05/10/2016
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Viết Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /2016/TT-BYT

Hà Nội, ngày        tháng        năm 2016

DỰ THẢO
ngày 5/10/2016

 

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH NGUYÊN TẮC “THỰC HÀNH TỐT BẢO QUẢN DƯỢC LIỆU”

Căn cứ Luật D­ược số 105/2016-QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 08 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền,

Bộ Y tế ban hành nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, dược liệu, cơ sở cung cấp, xuất nhập khẩu, phân phối, bán buôn, cơ sở làm dịch vụ bảo quản dược liệu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ được sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. GSP là viết tắt của Good Storage Practices - Thực hành tốt bảo quản.

2. Bảo quản dược liệu là việc cất giữ an toàn các dược liệu, bao bì đóng gói, bao gồm cả việc đưa vào sử dụng và duy trì đầy đủ các hệ thống hồ sơ tài liệu phù hợp, kể cả các giấy biên nhận và phiếu xuất.

3. Bao bì đóng gói là vật liệu được sử dụng trong việc đóng gói sản phẩm, không kể bao gói ngoài hoặc bao bì vận chuyển được sử dụng trong vận chuyển liên vùng hoặc vận chuyển bằng đường hàng hải.

4. Nhãn là bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp trên bao bì thương phẩm hoặc được dán, gắn chắc chắn trên bao bì thương phẩm của dược liệu để thể hiện các thông tin cần thiết và chủ yếu về dược liệu đó, giúp người dùng lựa chọn và sử dụng đúng dược liệu, và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý.

Nhãn bao gồm tất cả các nhãn và các phần in, viết hoặc hình hoạ trên một bao bì trung gian của một sản phẩm hoặc trên bao bì, vỏ hộp có chứa sản phẩm đó, ngoại trừ container vận chuyển.

5. Biệt trữ: là tình trạng dược liệu, bao bì đóng gói được để riêng biệt, trong một khu vực cách ly hoặc bằng biện pháp hành chính để chờ quyết định xử lý huỷ bỏ hoặc cho phép nhập kho hoặc xuất kho cho bào chế, đóng gói hoặc phân phối.

Điều 3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra lần đầu nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” được làm thành một bộ, bao gồm:

1. Đơn đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” (Mẫu số 1/GSP);

2. Bản sao Giấy phép thành lập cơ sở hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (bản sao có chứng thực hoặc có chữ ký và đóng dấu xác nhận của cơ sở);

3. Giấy chứng chỉ hành nghề của người phụ trách chuyên môn

4. Sơ đồ tổ chức, biên chế của cơ sở. Sơ đồ phải thể hiện rõ tên, chức danh, trình độ chuyên môn của các cán bộ chủ chốt của cơ sở và các đơn vị trực thuộc;

5. Sơ đồ vị trí địa lý và thiết kế của kho bảo quản dược liệu;

6. Danh mục thiết bị bảo quản, phương tiện vận chuyển;

7. Tài liệu chứng minh bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ

Điều 4. Hồ sơ đăng ký tái kiểm tra “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” được làm thành một bộ, bao gồm:

1. Đơn đăng ký tái kiểm tra theo nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” (Mẫu số 2/GSP);

2. Báo cáo những thay đổi của cơ sở trong 03 năm triển khai “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” và hồ sơ liên quan, nếu có;

3. Cơ sở sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký tái kiểm tra vẫn được phép kinh doanh thuốc theo phạm vi quy định trong Giấy chứng nhận “Thực hành tốt bảo quản dược liệu” đã được cấp và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (đang còn hiệu lực).

[...]