Thông tư 3-TM/PC năm 1995 hướng dẫn Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Thương mại ban hành

Số hiệu 3-TM/PC
Ngày ban hành 10/02/1995
Ngày có hiệu lực 10/02/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-TM/PC

Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 3-TM/PC NGÀY 10-2-1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM.

Căn cứ Nghị định số 82-CP ngày 2-8-1994 của Chính phủ ban hành Quy chế Đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 179-CP ngày 2-11-1994 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy chế nói trên (sau đây gọi tắt là Quy chế).
Sau khi trao đổi ý kiến với một số ngành, địa phương liên quan và được Thủ tướng Chính phủ thông qua (Công văn số 372-QHQT ngày 23-1-1995), Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể về một số điểm trong Quy chế để thi hành thống nhất như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

1. Đối tượng được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

Tổ chức kinh tế nước ngoài quy định tại Điều 1 của Quy chế được hiểu là tổ chức được lập ra nhằm mục đích hoạt động kinh doanh sinh lợi (dưới đây gọi tắt là Công ty) nếu có yêu cầu đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam để thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam và nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Quy chế và Thông tư này, đều được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Một Công ty có thể lựa chọn:

- Xin phép đặt nhiều Văn phòng đại diện độc lập trực thuộc Công ty, với tên gọi thống nhất là Văn phòng đại diện của Công ty tại tỉnh, thành phố của Việt Nam và mỗi Văn phòng đại diện phải có người phụ trách riêng.

- Xin phép đặt một Văn phòng đại diện tại một tỉnh, thành phố và đặt nhiều Chi nhánh của Văn phòng này tại các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm xét cấp, gia hạn, bổ sung, thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy phép cho các Công ty nước ngoài (trừ các tổ chức tín dụng và ngân hàng) đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

- Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm xét cấp, gia hạn, bổ sung, thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy phép cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

1. Các điều kiện để Công ty được cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam quy định tại Điều 2 của Quy chế được hiểu như sau:

- Công ty thành lập phù hợp với pháp luật của nước họ (nước thành lập Công ty);

- Đã hoạt động ở nước thành lập Công ty không dưới 5 năm;

- Có dự án đầu tư, thương mại được phía Việt Nam quan tâm và có khả năng thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam cụ thể bao gồm:

+ Các dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép;

+ Các hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật và/hoặc chuyển giao công nghệ mới phù hợp với pháp luật Việt Nam;

+ Các hợp đồng chuyên nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là nhập khẩu hàng hoá do Việt Nam khuyến khích xuất khẩu.

Riêng các Công ty xin đặt Văn phòng đại diện để xúc tiến lập các dự án đầu tư hoặc giải quyết thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư tại Việt Nam thì cũng được xét cho đặt Văn phòng đại diện với thời hạn phù hợp với thời gian cần thiết để hoàn thành các công việc nói trên nhưng không quá 3 năm kể từ ngày cấp giấy phép.

2. Các Công ty được giảm nhẹ điều kiện và được ưu tiên xét cấp giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế là:

- Công ty tuy mới thành lập và chưa đủ 5 năm hoạt động nhưng có dự án đầu tư được cấp giấy phép với số vốn từ 10 triệu USD trở lên; hoặc hợp đồng nhập khẩu hàng hoá sản xuất chế biến tại Việt Nam thuộc các mặt hàng do Việt Nam khuyến khích xuất khẩu như hàng thủ công mỹ nghệ, thuỷ hải sản, nông sản...;

- Các Tập đoàn hoặc Công ty đã thành lập và hoạt động ở nước ngoài không dưới 5 năm, nay thành lập Công ty mới để hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam thì cũng được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

III. THỦ TỤC XÉT CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

1. Công ty có yêu cầu đặt Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh Văn phòng đại diện tại một tỉnh, thành phố của Việt Nam cần gửi Bộ Thương mại một bộ hồ sơ gồm có:

- Đơn xin đặt Văn phòng đại diện gồm 1 bản bằng tiếng Việt Nam, 1 bản bằng tiếng Anh;

- Giấy chứng nhận thành lập Công ty (1 bản gốc bằng tiếng Anh hoặc sao chụp có công chứng ở nước thành lập Công ty và 1 bản dịch ra tiếng Việt);

[...]