Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 13/07/2022
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày      tháng   năm 2022

DỰ THẢO 2

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI VÀ QUẢN LÝ MỘT SỐ LOẠI HÌNH HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Thương mại 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017;Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14  ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật số 03/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam;

Căn cứ Nghị định số   /2022/NĐ-CP ngày   tháng 3 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về tiêu chí phân loại và quản lý hoạt động một số loại hình hạ tầng thương mại gồm: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hạ tầng thương mại trong Thông tư này được hiểu là các cơ sở kinh doanh thương mại (cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ), gồm các công trình kiến trúc vật thể và các yếu tố, dịch vụ để bảo đảm hoạt động của cơ sở kinh doanh thương mại.

2. Siêu thị là loại hình kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chí về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và cách thức tổ chức quản lý kinh doanh; bán hàng theo phương thức tự phục vụ, thực hiện thanh toán tập trung, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.

Siêu thị tổng hợp là loại hình siêu thị kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng. Siêu thị chuyên doanh là loại hình siêu thị chỉ kinh doanh một ngành hàng chuyên biệt.

3. Trung tâm thương mại là loại hình kinh doanh tổng hợp bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề.

4. Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh và cung cấp một số dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại. Hàng hóa kinh doanh gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

5. Cửa hàng outlet là cơ sở kinh doanh thương mại chuyên bán các sản phẩm chính hãng với mức giá hợp lý, chiết khấu cao cho khách hàng với mục đích nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng có nhược điểm, hàng chuyên sản xuất để bán tại outlet.

6. Trung tâm outlet là nơi bán hàng của nhiều nhà sản xuất, bao gồm nhiều cửa hàng outlet; có thể tích hợp thêm khu ẩm thực và các dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng tới thăm quan, mua sắm.

[...]