Thông tư liên tịch 46/2009/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành

Số hiệu 46/2009/TTLT-BTC-BCA
Ngày ban hành 11/03/2009
Ngày có hiệu lực 25/04/2009
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tài chính
Người ký Lê Thế Tiệm,Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Chứng khoán,Vi phạm hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ TÀI CHÍNH – BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 46/2009/TTLT-BTC-BCA

Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Công an nhân dân số 54/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

Bộ Tài chính và Bộ Công an thống nhất hướng dẫn về phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an trong phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Giải thích thuật ngữ 

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1 Gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại lớn về tài sản và các hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến sự công bằng, công khai, minh bạch và an toàn của thị trường chứng khoán) được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định, hướng dẫn gây hậu quả nghiêm trọng.

2.2 Tự nguyện khắc phục hậu quả: là việc người có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán gây thiệt hại về tài sản, về kinh tế, trật tự, ổn định xã hội đã tự nhận trách nhiệm và tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả mà được bên bị thiệt hại chấp nhận cũng như pháp luật cho phép.

3. Nguyên tắc phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

3.1 Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng ngừa, phát hiện, làm rõ, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3.2 Khi xem xét vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay hình sự để xác định đúng thẩm quyền, áp dụng đúng quy định pháp luật, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán.

3.3 Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự nguyện, kịp thời bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, kịp thời khai báo rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc thanh tra, điều tra vụ việc, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của hành vi phạm tội, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3.4 Phải đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ và hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; trường hợp cần thiết thì phải tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

1. Cơ quan đầu mối thực hiện phối hợp

Bộ Tài chính giao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Công an giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) (sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra) phối hợp thực hiện Thông tư này.

2. Nội dung phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

2.1 Nội dung phối hợp:

a) Kịp thời cung cấp cho nhau các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và tình hình vi phạm hành chính và tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Phối hợp trong công tác xử lý các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

2.2 Các hoạt động phối hợp cụ thể:

a) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự:

 - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra hoặc trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm có dấu hiệu tội phạm, trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Thông tư số 03/2006/TTLT-VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23/5/2006 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

- Đối với trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sau đó phát hiện hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ xử lý vi phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

- Hồ sơ chuyển giao vụ việc vi phạm bao gồm: Công văn chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra xử lý; Biên bản về hành vi vi phạm (bản sao); kết quả giám định, xác minh (nếu có); tài liệu khác có liên quan (bản sao). Việc chuyển giao hồ sơ phải được lập thành Biên bản.

[...]