Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ về việc dán tem hàng nhập khẩu do Bộ Tài chính - Bộ Thương mại - Bộ Công an - Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ
Ngày ban hành 05/05/1999
Ngày có hiệu lực 17/05/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tài chính,Bộ Thương mại,Tổng cục Hải quan
Người ký Hồ Huấn Nghiêm,Lê Thế Tiệm,Nguyễn Văn Cầm,Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG AN-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ

Hà Nội , ngày 05 tháng 5 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH-THƯƠNG MẠI-CÔNG AN-TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ NGÀY 5 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU

Căn cứ Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới;
Căn cứ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1286/VPCP-VI ngày 27/3/1999 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý xe ô tô tồn đọng tại Móng cái và dán tem hàng nhập khẩu.
Liên Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc dán tem 5 mặt hàng nhập khẩu: Bếp ga các loại, nồi cơm điện các loại, khung xe đạp, phích và ruột phích nóng, lạnh các loại, động cơ nổ cùng với máy công tác thành các máy hoàn chỉnh, đồng bộ như sau:

A. MẶT HÀNG PHẢI DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU

1. Kể từ 8 giờ ngày 17/5/1999, những mặt hàng sau đây sản xuất ngoài Việt Nam do các tổ chức và cá nhân kinh doanh nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường bao gồm hàng đang trong kho, đang bày bán, đang vận chuyển trên đường đều phải được dán tem hàng nhập khẩu theo đúng quy định:

- Bếp ga các loại

- Nồi cơm điện các loại

- Khung xe đạp.

- Phích và ruột phích nóng lạnh các loại.

- Động cơ nổ cùng với máy công tác thành các máy hoàn chỉnh, đồng bộ.

1.1. Những mặt hàng quy định tại điểm 1 trên đây từ 17/5/1999 khi nhập khẩu do cơ quan Hải quan thực hiện dán tem tại nơi kiểm tra hàng hoá và phải dán tem xong trước khi hoàn thành thủ tục hải quan. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh nhập khẩu phải tạo mọi điều kiện cho cơ quan Hải quan tiến hành các thủ tục dán tem được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn đúng các quy định tại Thông tư này.

1.2. Tổ chức và cá nhân kinh doanh những mặt hàng quy định tại điểm 1 nêu trên còn tồn trong nội địa phải lập tờ khai hàng hoá còn tồn để được dán tem theo hướng dẫn sau:

a. Cấp phát tờ khai:

Tờ khai hàng nhập khẩu còn tồn phải dán tem do cơ quan thuế cấp phát, đối tượng kinh doanh các mặt hàng phải dán tem nhận tờ khai tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý hoặc tại địa điểm nộp tờ khai quy định tại điểm b dưới đây. Cơ quan thuế có trách nhiệm in, cấp phát đầy đủ tờ khai cho đối tượng kinh doanh.

b. Địa điểm nộp tờ khai:

- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, HTX nộp tờ khai tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp tờ khai tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Đối với những hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do Cục thuế trực tiếp quản lý thì nộp tờ khai tại Cục thuế.

Cơ quan thuế và cơ quan Quản lý thị trường cử cán bộ có mặt thường xuyên tại các địa điểm trên để phát và tiếp nhận tờ khai kịp thời. Tờ khai gồm 3 bản: 1 bản trả cho cơ sở kê khai, 1 bản nộp cơ quan thuế, 1 bản nộp cơ quan Quản lý thị trường. Để tránh lợi dụng, khi nhận tờ khai cán bộ quản lý thị trường tiếp nhận phải kiểm tra nội dung kê khai và ký xác nhận tờ khai.

c. Thời hạn kê khai và nộp tờ khai

Thời hạn kê khai và nộp tờ khai là 5 ngày, bắt đầu từ 8 giờ ngày 17/5/1999 và kết thúc chậm nhất là 16 giờ ngày 21/5/1999.

- Hết thời hạn kê khai và nộp tờ khai, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thuế phải lập biên bản xác nhận số tờ khai đã nhận của các đối tượng kinh doanh.

d. Thời hạn dán tem hàng tồn là 15 ngày, đồng thời với kê khai: Bắt đầu từ ngày 17/5/1999 và kết thúc 16 giờ ngày 31/5/1999. Trong thời hạn nêu trên cơ quan Quản lý thị trường bố trí cán bộ tiến hành kiểm tra đối chiếu số lượng thực tế với số lượng kê khai, kiểm tra hoá đơn, chứng từ hợp lý kèm theo hàng hoá kê khai để cơ quan thuế tổ chức dán tem được nhanh chóng, thuận lợi và đảm bảo đúng thời gian quy định.

1.3. Các mặt hàng nhập khẩu quy định tại điểm 1 nêu trên bị tịch thu trước khi bán phải dán tem. Cơ quan ra quyết định tịch thu phải thông báo với cơ quan thuế về số hàng tịch thu để được dán tem. Đối với hàng hoá vi phạm do cơ quan Hải quan ra quyết định tịch thu thì cơ quan Hải quan trực tiếp dán tem.

2. Các mặt hàng nhập khẩu quy định tại điểm 1 không phải dán tem trong các trường hợp sau:

2.1. Tổ chức và cá nhân nhập khẩu thuộc diện được miễn nộp thuế nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nếu đem bán thì phải khai báo với cơ quan Hải quan để nộp thuế nhập khẩu và phải dán tem trước khi bán.

2.2. Bán tại các cửa hàng miễn thuế.

2.3. Vận chuyển quá cảnh, tạm nhập, tái xuất hoặc do Hải quan di lý từ cửa khẩu đầu tiên đến địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu phải kèm theo hồ sơ hàng hoá theo quy định của Hải quan và hàng hoá vận chuyển phải được niêm phong kẹp chì hoặc có cán bộ Hải quan áp tải khi cần thiết.

2.4. Hàng hoá nhập vào kho ngoại quan, khu chế xuất.

[...]