Thông tư liên tịch 20/TTLB năm 1994 hướng dẫn Nghị định 95/Cp về việc thu một phần viện phí do Bộ y tế-Tài chính-Lao động thương binh và xã hội-Ban vật giá ban hành

Số hiệu 20/TTLB
Ngày ban hành 23/11/1994
Ngày có hiệu lực 23/11/1994
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Vật giá Chính phủ,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Lê Duy Đồng,Lê Ngọc Trọng,Lê Văn Tân,Tào Hữu Phùng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/TTLB

Hà Nội , ngày 23 tháng 11 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ SỐ 20/TTLB NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/CP NGÀY 27/8/1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THU MỘT PHẦN VIỆN PHÍ

Ngày 27 tháng 8 năm 1994 Chính phủ đã ban ngành Nghị định số 95/CP về việc thu một phần viện phí. Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện như sau:

I- NỘI DUNG THU

Một phần viện phí là một phần trong tổng chi phí cho việc khám, chữa bệnh. Một phần viện phí chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, hoá chất, xét nghiệm, phim X quang, vật tư tiêu hao thiết yếu và dịch vụ khám, chữa bệnh; không tính khâu hao tài sản cố định, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí hành chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ bản vật chất và trang thiết bị lớn. Biểu giá thu một phần viện phí được tính theo dịch vụ đối với người bệnh ngoại trú và theo ngày giường điều trị đối với người bệnh nội trú.

II- ĐỐI TƯỢNG PHẢI NỘP VÀ MIỄN NỘP MỘT PHẦN VIỆN PHÍ

1. Đối tượng phải nộp một phần viện phí:

a. Người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người không thuộc đối tượng miễn nộp một phần viện phí.

b. Người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng muốn khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu riêng.

c. Người thuộc đối tượng miễn nộp một phần viện phí nhưng muốn khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu riêng.

2. Đối tượng được miễn nộp một phần viện phí:

a. Trẻ em dưới 6 tuổi:

b. Người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong, bệnh lao phổi có BK dương tính.

c. Người bệnh ở các xã được Uỷ ban dân tộc và miền núi công nhận là vùng cao.

d. Đồng bào đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới trong thời gian 3 năm kể từ khi đến.

e. Người tàn tật, trẻ mồ coi, người già yếu không nơi nương tựa và người bệnh thuộc diện quá nghèo được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của quận, huyện cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm kể từ ngày cấp.

3. Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán một phần viện phí với các cơ sở khám, chữa bệnh.

4. Các đối tượng không hưởng lương, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động sau đây được Nhà nước cấp kinh phí để cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trực tiếp mua thẻ bảo hiểm y tế, khi khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán một phần viện phí với các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1945 đang hưởng sinh hoạt phí hàng tháng:

- Thương binh hạng 1 đến hạng 4 (mất sức lao động do thương tật từ 21% trở lên);

- Bệnh binh hạng 1 đến hạng 3 (mất sức lao động do bệnh tật từ 41% trở lên);

- Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Người có công giúp đỡ cách mạng trước 19/8/1945 được hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Người bị địch bắt kết án tù do hoạt động cách mạng có giấy chứng nhận theo quy định:

- Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động;

- Người phục vụ và con thứ nhất, thứ hai dưới 18 tuổi của thương binh hạng I, bệnh binh hạng I;

- Những người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Công nhân cao su nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1971 của Hội đồng Chính phủ quy định về trợ cấp đối với công nhân cao su nghỉ việc.

[...]