Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 125/TT-LB năm 1995 hướng dẫn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động - thương binh và xã hội Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sang bảo hiểm xã hội Việt Nam do Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 125/TT-LB
Ngày ban hành 24/06/1995
Ngày có hiệu lực 09/07/1995
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Cù Thị Hậu,Lê Duy Đồng,Tô Tử Hạ
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125/TT-LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 125/TT-LB NGÀY 24-6-1995 HƯỚNGDẪN VIỆC BÀN GIAO NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ BẢOHIỂM XÃ HỘI CỦA HỆ THỐNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Thi hành chỉ thị số 1065 TCCB ngày 4-3-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 16 tháng 2 năm 1995 về thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm triển khai hoạt động, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự của Bảo hiểm xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Điều 1 Nghị định số 19/CP của Chính phủ quy định Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các tổ chức Bảo hiểm xã hội hiện nay ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý bảo hiểm và thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội theo pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ Điều 1 này, toàn bộ tổ chức, nhân sự thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đang thực hiện nhiệm vụ quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đều được chuyển giao sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Việc bàn giao phải được tiến hành nhanh gọn, đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo sau khi nhận bàn giao thực hiện ngay được các công việc do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn bàn giao sang, không làm gián đoạn hoặc ách tắc đến việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội với người lao động.

3. Việc bàn giao thực hiện trực tiếp theo từng cấp và theo trình tự:

a. Ở Trung ương: Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự cho Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đối với các Công đoàn ngành nghề toàn quốc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp bàn giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chứng kiến việc bàn giao giữa các cơ quan.

b. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh):

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội (không bao gồm hệ thống nhà nghỉ và cán bộ, công nhân viên quản lý, phục vụ hệ thống nhà nghỉ) cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chứng kiến việc bàn giao giữa các cơ quan của một số tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thu, chi bảo hiểm xã hội lớn.

c. Ở huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (gọi chung là huyện):

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện uỷ quyền cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (hoặc Phòng tổ chức - lao động) bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự cho Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện.

- Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội (không bàn giao hệ thống nhà nghỉ và cán bộ, công nhân viên quản lý, phục vụ hệ thống nhà nghỉ nếu có) cho Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện.

Đại diện Uỷ ban nhân dân huyện, Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chứng kiến việc bàn giao giữa các cơ quan.

II. NỘI DUNG BÀN GIAO

1. Các nhiệm vụ cụ thể được chuyển giao từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho bảo hiểm xã hội bao gồm:

a. Thu tiền bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động và người lao động đóng góp theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.

b. Thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm xã hội theo các chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đang được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động chi trả.

c. Kể từ thời điểm nhận bàn giao trực tiếp quyết toán với Bộ Tài chính tiền chi trả bảo hiểm xã hội cho các đối tượng được hưởng đang do ngân sách Nhà nước cấp kinh phí.

d. Hướng dẫn nghiệp vụ về thu chi, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Tài chính.

e. Xét duyệt các hồ sơ, thủ tục để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; quyết định cấp sổ hưu, tuất hoặc thẻ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đúng quy định của pháp luật kể từ ngày nhận bàn giao.

g. Quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia bảo hiểm xã hội kể cả hồ sơ tài liệu của các đối tượng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang quản lý (hưu trí, mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuất, ốm đau, thai sản) đã xử lý trước khi bàn giao.

h. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm giải quyết tiếp các công việc còn tồn đọng hoặc công việc chưa xử lý xong mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bàn giao kể cả việc truy thu tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động và người lao động chưa nộp.

2. Về tổ chức:

[...]