Thông tư liên tịch 113/1998/TTLT-BTC-BQP về chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ Tài Chính - Bộ Quốc Phòng ban hành

Số hiệu 113/1998/TTLT-BTC-BQP
Ngày ban hành 07/08/1998
Ngày có hiệu lực 22/08/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Trọng Xuyên,Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113/1998/TTLT-BTC-BQP

Hà Nội , ngày 07 tháng 8 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 113/1998/TTLT-BTC-BQP NGÀY 7 THÁNG 8 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH, DỊCH VỤ CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ các Luật, Pháp lệnh thuế và Luật ngân sách nhà nước hiện hành;
Để phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Đối tượng nộp thuế: Tất cả các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác (dưới đây gọi chung là sản xuất, kinh doanh) đều phải kê khai, nộp đầy đủ các loại thuế và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của các Luật, Pháp lệnh thuế và chế độ thu ngân sách hiện hành của Nhà nước.

2. Tạm thời chưa thu thuế doanh thu đối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ sửa chữa vũ khí, khí tài chuyên dùng trong quốc phòng do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện.

II. ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ:

1. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh; các đơn vị hành chính, sự nghiệp tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động... để sản xuất hàng hoá, kinh doanh, dịch vụ phục vụ kinh tế dân sinh (trừ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 dưới đây) đều phải đăng ký, kê khai nộp đầy đủ các khoản thuế theo luật định (thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức, thu sử dụng vốn...) vào ngân sách nhà nước với cơ quan thuế địa phương nơi đơn vị sản xuất, kinh doanh.

2. Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện việc đăng ký, kê khai nộp thuế và quyết toán thuế như sau:

a. Kê khai, nộp và quyết toán các khoản thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và các khoản thu phí, lệ phí (nếu có) của hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh khác ngoài nhiệm vụ công ích theo quy định của pháp luật về thuế và thu khác hiện hành với cơ quan thuế địa phương nơi đơn vị thực hiện sản xuất, kinh doanh.

Thủ tục, trình tự kê khai, nộp và quyết toán các khoản thuế và thu khác nêu trên được thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh về thuế, phí, lệ phí và thu khác hiện hành của Bộ Tài chính.

b. Kê khai, nộp và quyết toán thuế lợi tức (bao gồm thuế lợi tức của nhiệm vụ công ích và thuế lợi tức của hoạt động kinh doanh khác ngoài nhiệm vụ công ích), khoản thu theo quy định tại điểm 3, mục II Thông tư số 32/1998/TT-BTC ngày 17/3/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích theo trình tự, thủ tục như sau:

b1. Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch do Bộ Quốc phòng giao, các doanh nghiệp lập kế hoạch thu, nộp các khoản thuế và thu khác báo cáo Bộ Quốc phòng để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, trong đó có tách riêng khoản thuế lợi tức và thu khác mà đơn vị phải kê khai, nộp về Bộ Quốc phòng.

b2. Trong kỳ kế hoạch, mỗi quý một lần các doanh nghiệp có trách nhiệm lập tờ khai nộp thuế lợi tức và khoản thu khác nêu trên gửi về Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, trong đó xác định cụ thể số phải nộp, số đã nộp, số còn phải nộp của từng khoản; đồng thời lập uỷ nhiệm chi nộp ngay số thuế lợi tức và thu khác phải nộp trực tiếp về tài khoản của Bộ Quốc phòng mở tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, số tiền thuế lợi tức và thu khác do các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thuộc Bộ Quốc phòng nộp về tài khoản này phải được theo dõi, hạch toán riêng. Định kỳ và cuối năm (hoặc trong những trường hợp đặc biệt), Bộ Quốc phòng lập báo cáo tổng hợp (kèm theo bảng kê chi tiết từng khoản thuế của từng đơn vị đã nộp về) có xác nhận của Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội gửi Bộ Tài chính để xem xét xử lý hoặc làm thủ tục ghi thu vào ngân sách (điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương) đồng thời ghi chi ngân sách cho Bộ Quốc phòng, hoặc nộp vào ngân sách. b3. Kết thúc năm, trong thời hạn quy định, các doanh nghiệp công ích thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo quyết toán thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, trong đó phân biệt rõ số thuế và thu khác đã kê khai, nộp tại địa phương, số thuế lợi tức và thu khác kê khai và nộp trực tiếp về Bộ Quốc phòng, số còn phải nộp của từng khoản thuế theo quy định.

III. MIỄN, GIẢM THUẾ:

1. Các đơn vị hoạt động kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng (kể cả hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích) được miễn, giảm thuế theo quy định của các Luật, Pháp lệnh về thuế và thu khác hiện hành.

2. Thủ tục và thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:

a. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết miễn, giảm thuế đối với các đơn vị nêu tại điểm 1, mục II và đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích đủ điều kiện xét miễn, giảm các khoản thuế nêu tại điểm 2a, mục II của Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật, Pháp lệnh về thuế hiện hành của Bộ Tài chính.

b. Thủ tục và thẩm quyền xét miễn, giảm thuế lợi tức của doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại điểm 2b, mục II Thông tư này thực hiện như sau:

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thuộc đối tượng được xét miễn, giảm thuế lợi tức phải lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục đề nghị miễn, giảm thuế theo quy định gửi về Bộ Quốc phòng để được kiểm tra, xem xét cụ thể từng trường hợp. Sau khi kiểm tra, xem xét nếu xét thấy đủ điều kiện miễn giảm thuế, Bộ Quốc phòng có văn bản (trong đó nêu rõ căn cứ, lý do và số tiền đề nghị miễn, giảm) gửi Bộ Tài chính để được xem xét, quyết định miễn, giảm thuế chính thức cho từng trường hợp theo luật định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các đơn vị hoạt động kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng (kể cả doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích) có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại mục II của Thông tư này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật thuế thì sẽ bị xử lý theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

2. Cơ quan thuế các cấp có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trực thuộc thực hiện kê khai, nộp kịp thời thuế lợi tức và thu khác theo hướng dẫn tại điểm 2, mục II của Thông tư này.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 08 TT/LB ngày 18/5/1992 của liên Bộ Tài chính - Quốc phòng. Các nội dung khác của các Luật, Pháp lệnh về thuế không nêu tại Thông tư này vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, giải quyết.

Nguyễn Trọng Xuyên

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

 

[...]