Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 28/08/2013
Ngày có hiệu lực 06/11/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thế Liên,Lê Quý Vương,Nguyễn Thành Cung,Nguyễn Hải Phong
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XIX CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện giao thông gồm: phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường thủy, phương tiện giao thông đường không.

2. Phương tiện giao thông đường bộ gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

3. Phương tiện giao thông đường sắt gồm: tàu, đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

4. Phương tiện giao thông đường thủy gồm: tàu, thuyền, các cấu trúc nổi khác có động cơ hoặc không có động cơ tham gia giao thông đường thủy.

Đường thủy bao gồm đường thủy nội địa và những tuyến đường thủy được khai thác dưới dạng tự nhiên, chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động giao thông vận tải.

5. Phương tiện giao thông đường không gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác.

6. Điều động người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông là việc người có thẩm quyền đưa ra mệnh lệnh, quyết định (bằng lời nói, bằng văn bản…) để yêu cầu người mà mình biết là không có giấy phép, bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông.

7. Giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông là việc người có quyền quản lý phương tiện giao thông biết một người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật nhưng vẫn giao cho người đó chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông.

8. Không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn quy định tại điểm a khoản 2 các điều 202, 208, 212; khoản 1 các điều 205, 211, 215, 219 Bộ luật hình sự là một trong những trường hợp sau đây:

a) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

b) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

c) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm chỉ huy, điều khiển phương tiện đó.

* Cần chú ý khi áp dụng tình tiết không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn:

- Thời hạn sử dụng của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp được tính từ ngày cấp phép đến khi hết hạn ghi trên giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó (hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó).

- Trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đã bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn mà cần tiếp tục chỉ huy, điều khiển phương tiện nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt

1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết một người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

[...]