Thông tư liên tịch 09/2002/TTLT-BTCCBCP-BLĐTBXH-BTC-BYT hướng dẫn chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội do Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ-Bộ lao động thương binh xã hội- Bộ tài chính- Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 09/2002/TTLT-BTCCBCP-BLĐTBXH-BTC-BYT
Ngày ban hành 08/02/2002
Ngày có hiệu lực 08/02/2002
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Đỗ Nguyên Phương,Đỗ Quang Trung,Nguyễn Sinh Hùng,Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2002/TTLT-BTCCBCP-BLĐTBXH-BTC-BYT

Hà Nội , ngày 08 tháng 2 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ SỐ 09/2002/TTLT-BTCCBCP - BLĐTB&XH-BTC-BYT NGÀY 08 THÁNG 02 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC CHUYỂN BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM SANG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 2 Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg ngày 24-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện quyết định trên như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Mục đích:

Việc chuyển giao Bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam là nhằm mục đích:

1.1- Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ trong tình hình mới theo Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;

1.2- Phục vụ và đáp ứng yêu cầu tốt hơn cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (cả về Bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện) và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng người lao động đóng Bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

1.3- Phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của cả hệ thống Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.

2- Nguyên tắc:

Việc chuyển giao Bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm y tế được ban hành theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 nâưm 1998 của Chính phủ và phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

2-1- Chuyển giao nguyên trạng Bảo hiểm Y tế sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong thời gian chuyển giao không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự, tài sản, tài chính; đảm bảo chính sách chế độ theo quy định của Nhà nước đối với cán bộ quản lý, công chức, viên chức;

2.2- Thực hiện đầy đủ; liên tục, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ đối với những người đang tham gia Bảo hiểm Y tế; quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế theo đúng quy định hiện hành;

2.3- Tiếp tục thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân tham gia Bảo hiểm y tế giữa cơ quan Bảo hiểm Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh ;

2.4- Tổng kết thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế để trình Chính phủ bổ sung sửa đổi chính sách và mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

2.5- Ổn định tư tưởng, đoàn kết trong cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Nội dung chuyển giao Bảo hiểm Y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

1.1- Chức năng, nhiệm vụ, chương trình kế hoạch công tác năm 2002;

1.2- Tổ chức bộ máy và nhân sự của cả hệ thống Bảo hiểm Y tế đến ngày 25-1-2002;

1.3- Toàn bộ tài sản, kinh phí, đất đai, công trình kiến trúc, công nợ (nếu có) và toàn bộ danh mục hồ sơ, tài liệu, sổ sách chứng từ liên quan đến hoạt động chuyển môn và tài chính tại thời điểm ngày 31-3-2002.

2- Cách thức chuyển giao:

Để đảm bảo chính xác, thuận lợi và đáp ứng tiến độ chuyển giao, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất với Tổng giám đốc Bảo hiểm Y tế Việt Nam lập tổ công tác chung ở từng cấp để thực hiện nội dung chuyển giao quy định tại điểm 1 Mục II trên theo cách thức chuyển giao trực tiếp từng cấp và theo trình tự sau:

2.1- Ở Trung ương:

Tổng giám đốc Bảo hiểm Y tế Việt Nam thực hiện việc chuyển giao nguyên trạng hệ thống Bảo hiểm y tế cả nước (bao gồm cả Bảo hiểm Y tế ngành) sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc phạm vi quản lý đã được phân công, phân cấp của Bộ Y tế.

2.2- Ở Địa phương:

Giám đốc Bảo hiểm Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển giao nguyên trạng hệ thống Bảo hiểm Y tế từ tỉnh đến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nếu có) sang Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giám đốc Bảo hiểm Y tế và Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp các báo cáo, biên bản chuyển giao giữa Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm xã hội cấp dưới; lập báo cáo, biên bản chuyển giao chung ở điạ phương gửi về Bảo hiểm Y tế Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp chuyển giao chung cả nước.

[...]