Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG
Ngày ban hành 16/08/2013
Ngày có hiệu lực 01/11/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Ngoại giao,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Thế Liên,Lê Quý Vương,Nguyễn Thanh Sơn,Trần Công Phàn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, VẬT CHỨNG CỦA VỤ ÁN ĐỂ YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI TIẾP TỤC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Căn cứ Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Điều 345, Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao thống nhất hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn về điều kiện, nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Tương trợ tư pháp.

Điều 2. Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng

Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự phải có đủ các điều kiện sau:

1. Người bị yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, đang bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam điều tra, truy tố hoặc xét xử nhưng đã trốn khỏi Việt Nam đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc nước khác (nước mà người phạm tội đang có mặt, sau đây viết tắt là nước ngoài).

2. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã yêu cầu nước ngoài dẫn độ về Việt Nam, nhưng cơ quan có thẩm quyền của nước đó từ chối việc dẫn độ.

Điều 3. Nguyên tắc chuyển giao hồ sơ, vật chứng

Việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội được thực hiện trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị của Việt Nam.

2. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp tập quán quốc tế.

3. Đảm bảo bí mật nhà nước; chế độ bảo mật thông tin, tài liệu, vật chứng của vụ án.

4. Không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội khác trong cùng vụ án hoặc việc giải quyết vụ án khác tại Việt Nam.

5. Tài liệu, vật chứng chuyển giao là những tài liệu, vật chứng không thể thiếu để phục vụ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Điều 4. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại

1. Trường hợp giữa Việt Nam và nước được yêu cầu chưa là thành viên của điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội (sau đây viết tắt là hồ sơ) đến Bộ Ngoại giao để xem xét, quyết định việc đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

2. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Ngoại giao xem xét và đưa ra một trong các quyết định quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều này. Đối với trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn này không quá hai mươi ngày làm việc.

3. Trường hợp quyết định đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao có Công hàm đề nghị nước được yêu cầu áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ thông qua cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước được yêu cầu hoặc cơ quan đại diện của nước được yêu cầu tại Việt Nam; đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết.

4. Trường hợp quyết định không đề nghị nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ khi quyết định, Bộ Ngoại giao gửi trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời chính thức của nước ngoài về việc đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết và phối hợp thực hiện.

6. Trường hợp nước ngoài đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo, Bộ Ngoại giao gửi văn bản tham khảo ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp phải có ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao.

[...]
22
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ