Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BYT-BNN phân công phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ban hành
Số hiệu | 01/2006/TTLT-BYT-BNN |
Ngày ban hành | 04/01/2006 |
Ngày có hiệu lực | 28/07/2006 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Y tế |
Người ký | Bùi Bá Bổng,Trịnh Quân Huấn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2006/TTLT-BYT-BNN |
Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2006 |
HƯỚNG DẪN PHÂN CÔNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Để thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26 tháng 7 năm 2003 và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, liên tịch Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân công phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm như sau:
I. TRÁCH NHIỆM CHUNG TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch về vệ sinh, an toàn thực phẩm được phê duyệt;
b) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy định, quy trình, quy phạm về vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm đã qua chế biến lưu thông trên thị trường;
c) Quy định dư lượng tối đa cho phép về hoá chất độc hại, phụ gia thực phẩm, giới hạn tối đa ô nhiễm vi sinh vật đối với thực phẩm đã qua chế biến;
d) Quy định chung về điều kiện vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gồm điều kiện cơ sở sản xuất, trang thiết bị, dụng cụ; yêu cầu về sức khoẻ, kiến thức, thực hành vệ sinh, an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
đ) Tổ chức thực hiện xác nhận công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm tiêu thụ trong nước;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức pháp luật; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về vệ sinh, an toàn thực phẩm; tổ chức xác nhận nội dung thông tin quảng cáo đối với thực phẩm;
g) Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến sản xuất, lưu thông trong nước cho tiêu thụ nội địa;
h) Tổ chức thực hiện kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất độc hại (bao gồm cả phụ gia thực phẩm) đối với thực phẩm trừ sản phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống và sơ chế lưu thông trên thị trường.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
a) Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh, an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp;
b) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy định, quy trình, quy phạm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với:
- Quá trình sản xuất từ nuôi trồng, khai thác, thu hái, sản xuất, giết mổ, sơ chế, bảo quản, vận chuyển nông sản thực phẩm cho đến khi được đưa ra lưu thông trên thị trường;
- Sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống, sơ chế lưu thông trên thị trường;
- Nông sản thực phẩm xuất khẩu và nhập khẩu;
c) Quản lý vệ sinh an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật tươi sống và sơ chế lưu thông trên thị trường, xuất khẩu và nhập khẩu;
d) Quy định cụ thể về điều kiện vệ sinh, an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống và sơ chế;
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức pháp luật; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật;
e) Tổ chức thực hiện kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất độc hại đối với thực phẩm quy định tại điểm b, c khoản 2, Mục 1 của Thông tư này.
II. TRÁCH NHIỆM TRONG PHÒNG NGỪA, KHẮC PHỤC NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ BỆNH TRUYỀN QUA THỰC PHẨM
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm; điều tra xác định cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên;
b) Triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm;
c) Tổ chức chỉ đạo việc xử lý, điều trị ngộ độc thực phẩm và các bệnh dịch truyền qua thực phẩm;