Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP hướng dẫn áp dụng Chương XXII "Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP
Ngày ban hành 11/08/2003
Ngày có hiệu lực 21/09/2003
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tư pháp,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Lê Thế Tiệm,Nguyễn Văn Được,Trần Thu,Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP

Hà Nội , ngày 11 tháng 8 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP NGÀY 11 THÁNG 08 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XXIII "CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN" CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại chương XXIII "Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân" của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự), Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:

I. VỀ CHỦ THỂ CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 315 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

1. Quân nhân tại ngũ là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ trực tiếp trong Quân đội. Quân nhân bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Quân nhân dự bị là công dân được đăng ký vào ngạch dự bị động viên theo Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian người đó được tập trung huấn luyện.

Được coi là quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện trong các trường hợp sau đây:

a) Tập trung huấn luyện chính trị, quân sự thường kỳ hàng năm;

b) Tập trung diễn tập;

c) Tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên;

d) Tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

3. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội bao gồm:

a) Công nhân Quốc phòng (do hợp đồng lao động hoặc được tuyển dụng vào phục vụ trong Quân đội) và Công chức Quốc phòng. Những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian họ tham gia chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;

b) Công dân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định vào phục vụ Quân đội khi:

- Có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ;

- Có chiến tranh;

- Có nhu cầu chiến đấu để bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà chưa đến mức phải động viên cục bộ.

Những người trên đây chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian được trưng tập đó.

4. Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu là người thuộc một bộ phận dân quân, tự vệ được giao cho đơn vị quân đội khi có nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu để tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của đơn vị quân đội. Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian phối thuộc được quy định trong quyết định của cấp có thẩm quyền.

II. VỀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM, TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

1. Về các tình tiết "sĩ quan", "chỉ huy" quy định tại điểm a khoản 2 các Điều 316, 322, 323, 324, 325, 326, 337 và 338 Bộ luật Hình sự.

a) "Sĩ quan" là cán bộ quân đội được Nhà nước phong quân hàm cấp uý, cấp tá, cấp tướng và tương đương. Sĩ quan bao gồm sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị.

b) "Chỉ huy" là cán bộ quân đội có chức vụ từ trung đội trưởng và tương đương trở lên. Chức vụ tương đương được cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Về các khái niệm "người chỉ huy", "cấp trên" quy định tại khoản 1 các Điều 316 và 319 Bộ luật Hình sự và khái niệm "cấp dưới" quy định tại khoản 1 Điều 320 Bộ luật Hình sự.

a) "Người chỉ huy" là cán bộ quân đội được giao phụ trách cơ quan, đơn vị thuộc quyền, có những nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thuộc cơ quan, đơn vị đó.

b) Để xác định là "cấp trên" theo quy định tại khoản 1 các Điều 316 và 319 Bộ luật Hình sự và "cấp dưới" theo quy định tại khoản 1 Điều 320 BLHS thì giữa người phạm tội và người ra lệnh (hoặc người bị hại) phải có quan hệ công tác và được xác định như sau:

b1) Nếu người phạm tội và người ra lệnh (hoặc người bị hại) cùng biên chế trong một cơ quan, đơn vị nhất định, thì:

- Người có chức vụ cao hơn là cấp trên, người có chức vụ thấp hơn là cấp dưới, mà không phân biệt cấp bậc;

[...]