Thông tư liên ngành 04/TTLN năm 1995 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế do Tòa Án Nhân Dân Tối Cao - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành
Số hiệu | 04/TTLN |
Ngày ban hành | 07/01/1995 |
Ngày có hiệu lực | 07/01/1995 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | *** |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thủ tục Tố tụng |
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/TTLN |
Hà Nội , ngày 07 tháng 1 năm 1995 |
Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-3-1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1994.
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh; Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điểm như sau:
1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh thì thời hiệu khởi kiện các vụ án kinh tế (quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh) để yêu cầu Toà án giải quyết là sáu tháng, kể từ ngày phát sinh tranh chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định này được thống nhất áp dụng đối với mọi tranh chấp kinh tế phát sinh từ ngày 1-7-1994 trở đi.
Quy định "trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" cần được hiểu là trong một văn bản pháp luật nào đó có quy định loại tranh chấp nào đó là tranh chấp kinh tế và buộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân, đồng thời có quy định thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh thì áp dụng thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện quy định trong văn bản pháp luật đó mà không áp dụng quy định "thời hiệu khởi kiện là sáu tháng, kể từ ngày phát sinh tranh chấp".
2. Đối với các tranh chấp kinh tế quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh mà phát sinh trước ngày 1-7-1994 thì đương sự vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết là sáu tháng, kể từ ngày 1-7-1994. Hết ngày 31-12-1994 đương sự không có quyền khởi kiện nữa.
3. Việc xác định ngày bắt đầu và ngày kết thúc của thời hiệu khởi kiện là rất quan trọng để thực hiện đúng các quy định của Pháp lệnh về việc trả lại đơn kiện (Điều 39, khoản 1, điểm d). Ngày bắt đầu của thời hiệu khởi kiện là ngày phát sinh tranh chấp và được xác định phụ thuộc vào từng loại tranh chấp kinh tế; cụ thể như sau:
a) Đối với các tranh chấp về hợp đồng kinh tế:
- Nếu trong thời gian hợp đồng kinh tế đang có hiệu lực mà một trong các bên phát hiện có vi phạm và làm phát sinh tranh chấp, thì ngày phát sinh tranh chấp là ngày phát hiện việc vi phạm.
- Nếu hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực mà các bên không có thoả thuận nào khác và phát sinh tranh chấp, thì ngày phát sinh tranh chấp là ngày tiếp theo của ngày hợp đồng kinh tế đó hết hiệu lực.
- Nếu trước ngày hợp đồng kinh tế hết hiệu lực hoặc vào ngày cuối cùng hợp đồng kinh tế còn hiệu lực mà các bên có thoả thuận về thời hạn thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng kinh tế mà hết thời hạn đó, một trong các bên không thực hiện và làm phát sinh tranh chấp thì ngày phát sinh tranh chấp về việc thực hiện thoả thuận là ngày tiếp theo của ngày hết thời hạn thực hiện thoả thuận đó. Trong trường hợp này có đương sự yêu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng kinh tế thì Toà án thụ lý giải quyết nếu tính từ ngày hợp đồng kinh tế hết hiệu lực đến ngày khởi kiện chưa hết thời hạn sáu tháng. Nếu đã hết thời hạn sáu tháng, thì Toà án không thụ lý giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng kinh tế, mà chỉ thụ lý giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ do các bên đã thoả thuận. Khi thụ lý giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ do các bên đã thoả thuận các Toà án lưu ý và phân biệt là tuỳ theo tính chất, nội dung thoả thuận và yêu cầu cụ thể của đương sự mà xác định đó là vụ án kinh tế hay vụ án dân sự để thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hoặc theo thủ tục tố tụng dân sự.
b) Đối với các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty thì ngày phát sinh tranh chấp là ngày có biên bản cuộc họp của công ty, đơn của thành viên công ty, trong đó ghi nhận việc biết hoặc phát hiện có vi phạm liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty và dẫn đến tranh chấp.
c) Đối với các tranh chấp liên quan đến việc mua, bán cổ phiếu, trái phiếu, thì ngày phát sinh tranh chấp là ngày đương sự phát hiện có sự vi phạm trong việc mua, bán cổ phiếu, trái phiếu (kể cả việc chuyển nhượng) và dẫn đến tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện sáu tháng các vụ án kinh tế kết thúc vào ngày tương ứng của tháng thứ sáu, kể từ ngày phát sinh tranh chấp; ví dụ: ngày phát sinh tranh chấp (bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện) là ngày 12-10-1994, thì ngày kết thúc thời hiệu khởi kiện là ngày 12-4-1995. Nếu ngày cuối cùng của thời hiệu khởi kiện trùng với ngày nghỉ (chủ nhật, ngày lễ, ngày tết) thì ngày cuối cùng của thời hiệu khởi kiện là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ. Nếu tháng thứ sáu không có ngày tương ứng thì thời hiệu khởi kiện kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó; ví dụ: ngày phát sinh tranh chấp là ngày 31-8-1994, thì ngày kết thúc thời hiệu khởi kiện là ngày 28-2-1995.
4. Theo điểm d khoản 1 Điều 39 của Pháp lệnh thì Toà án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án nếu thời hạn khởi kiện đã hết trước ngày Toà án thụ lý vụ án. Theo tinh thần quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh thì sau khi nhận được đơn và các tài liệu kèm theo, nếu đơn kiện không thuộc một trong những trường hợp trả lại đơn kiện quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh thì Toà án cần xem xét vụ án có thuộc thẩm quyền của mình hay không (thẩm quyền của cấp Toà án, thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn). Nếu qua xem xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì thông báo cho nguyên đơn biết và trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày được thông báo, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí. Toà án chỉ vào sổ thụ lý vụ án vào ngày nguyên đơn xuất trình chứng từ về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Nếu qua xem xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền ngay sau khi phát hiện việc giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền của mình (Điều 16 của Pháp lệnh). Như vậy khoảng thời gian từ ngày đương sự nộp hoặc gửi đơn kiện đến ngày Toà án vào sổ thụ lý vụ án hoặc đến ngày Toà án có thẩm quyền nhận được hồ sơ vụ án tương đối dài (có thể trên dưới một tháng). Nếu xác định ngày Toà án thụ lý vụ án theo quy định tại các điều 33, 34 của Pháp lệnh để tính thời hiệu khởi kiện, thì không phù hợp với quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh về thời hạn khởi kiện; do đó, để bảo vệ quyền lợi của đương sự, thì chỉ coi thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn kiện (điểm 2 Điều 32 của Pháp lệnh) hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án (điểm đ khoản 1 Điều 39 của Pháp lệnh). Nếu kể từ ngày phát sinh tranh chấp đến ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày theo dấu bưu điện trên phong bì (nếu đương sự gửi đơn kiện qua đường bưu điện) đã quá thời hạn sáu tháng theo cách tính tại điểm 3 mục này.
5. Cách tính các thời hạn quy định trong Pháp lệnh được thực hiện tương tự theo cách tính thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn tại điểm 3 mục này. Tuy nhiên, Pháp lệnh chỉ quy định thời hạn để cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu hồ sơ là năm ngày để tham gia phiên toà sơ thẩm (khoản 3 Điều 34 của Pháp lệnh) và mười ngày để tham gia phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 1 Điều 68, khoản 1 Điều 76, khoản 2 Điều 83 của Pháp lệnh), mà không quy định kể từ ngày nào. Do đó, thời hạn năm ngày và mười ngày này được tính kể từ ngày tiếp theo ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án. Trong trường hợp ngày tiếp theo là ngày nghỉ (chủ nhật, ngày lễ, ngày tết), thì thời hạn năm ngày và mười ngày này được tính bắt đầu từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo của ngày nghỉ đó. Hết các thời hạn nói trên Viện Kiểm sát trả ngay hồ sơ cho Toà án để Toà án chuẩn bị cho việc mở phiên toà đúng thời hạn luật định.
II- VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA TOÀ ÁN VÀ VIỆN KIỂM SÁT TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH TẾ
1. Việc chuyển hồ sơ vụ án kinh tế giữa Viện kiểm sát và Toà án được thực hiện như sau:
a) Đối với các vụ án mà Viện kiểm sát có yêu cầu tham gia phiên toà sơ thẩm, thì ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án gửi cho Viện kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn năm ngày chuẩn bị cho việc tham gia phiên toà. Hồ sơ vụ án cũng có thể được chuyển cho Viện kiểm sát để nghiên cứu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
b) Trong những trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp thấy cần nghiên cứu hồ sơ vụ án để đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc Viện kiểm sát cấp trên thấy cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì Viện kiểm sát có công văn yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát mượn. Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát chậm nhất là hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu.
Nếu Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ án, thì Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát cùng cấp chuyển cho Viện kiểm sát cấp trên.
Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát chuyển trả lại hồ sơ vụ án cho Toà án, nếu không có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
c) Mọi tài liệu có trong hồ sơ vụ án phải được đánh số thứ tự và có bản kê danh mục các tài liệu. Trước khi chuyển hồ sơ vụ án từ Toà án sang Viện kiểm sát hoặc ngược lại, cần kiểm tra đầy đủ tài liệu trong hồ sơ vụ án. Người nhận hồ sơ vụ án phải đối chiếu bản kê danh mục tài liệu với tài liệu đã được đánh số thứ tự trong hồ sơ vụ án.
2. Theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 28 của Pháp lệnh, thì việc kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh tế có thể bắt đầu từ khi Toà án thụ lý đơn kiện của đương sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm kể từ ngày Toà án thụ lý đơn kiện của đương sự cho đến trước ngày Toà án ra một trong các quyết định tại khoản 2 Điều 34 của Pháp lệnh, nếu xét thấy cần thiết thì Viện Kiểm sát có thể yêu cầu Toà án cho biết những điểm cụ thể nào đó có liên quan đến việc giải quyết vụ án kinh tế. Trong các trường hợp này Toà án có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của Viện kiểm sát.
3. Viện kiểm sát cùng cấp phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm trong trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm hoặc có quyết định tham gia phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm. Nếu có quyết định tham gia phiên toà sơ thẩm, thì Viện Kiểm sát cần thông báo họ, tên Kiểm sát viên sẽ tham gia phiên toà cho Toà án biết để Toà án ghi vào Quyết định đưa vụ án ra xét sử theo quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh. Nếu sau đó Viện kiểm sát thay đổi Kiểm sát viên thì cần thông báo bằng văn bản cho Toà án và các đương sự biết.
4. Trong trường hợp Toà án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Viện kiểm sát mới xét thấy cần thiết tham gia phiên toà sơ thẩm, thì phải ra quyết định, trong đó ghi rõ Kiểm sát viên tham gia phiên toà và gửi cho Toà án, các bên đương sự. Trong trường hợp này, Toà án không có trách nhiệm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 3 Điều 34 của Pháp lệnh.